Ngân hàng

Tín dụng đã cán mốc 6,7 triệu tỷ đồng

(VNF) - Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến 31/5/2018, tín dụng đạt mốc 6,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,16% so với cuối 2017.

Tín dụng đã cán mốc 6,7 triệu tỷ đồng

Agribank cho vay mua máy gặt công suất lớn của hãng Yanmar (Nhật Bản) triển khai tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Bóc tách cơ cấu cho thấy: tăng trưởng dư nợ đối với các ngành nông, lâm thuỷ sản: 6,8%; công nghiệp và xây dựng: 6,83%; thương mại, dịch vụ: 5,7%.

Cùng đó, tín dụng ở 4 lĩnh vực ưu tiên cũng có tốc độ tăng khá; trong đó, “tam nông”: 5,8%; xuất khẩu: 15,64%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao: 6,29%; công nghiệp hỗ trợ: 5,42%; doanh nghiệp nhỏ và vừa: 2,61%.

Ông Tần cũng cho biết thêm, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng đang có dư nợ.

Trong khi đó, dư nợ cho vay để ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đạt  trên 10.650 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-CP đạt khoảng 4.800 tỷ đồng; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 179.048 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2017 với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh, thành phố tổ chức 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Từ đây, các ngân hàng đã giải ngân hơn 210.000 tỷ đồng cho hơn 20.000 khách hàng; cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho gần 2.500 khách hàng.

Đáng chú ý, một chương trình khác được nhiều người quan tâm là tín dụng nhà ở xã hội theo Nghị định 100 hiện đang gặp nhiều trở ngại.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi “gói 30 nghìn tỷ đồng” kết thúc vào 31/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, cơ quan này đã ban hành một số văn bản chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, Chính phủ mới bố trí được 1.163,208 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Chính sách xã hội; riêng trong năm 2018, nhà nước cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội 500 tỷ đồng, hiện mới chỉ cấp 250 tỷ đồng. Theo Nghị định 100, đơn vị này phải tự huy động 500 tỷ đồng, Nhà nước cấp bù lãi suất chênh lệch so với thị trường.

Liên quan vấn đề này, ngày 28/5/2018, Bộ Xây dựng có công văn số 1248/BXD-QLN gửi Thủ tướng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội Quốc hội xem xét, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho vay nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và cấp bù lãi suất cho vay trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng là 3.431 tỷ đồng.

 

Tin mới lên