Ngân hàng

'Tăng trưởng tín dụng nóng là mầm mống khủng hoảng mới tại Việt Nam'

(VNF) - Theo hãng nghiên cứu Capital Economics, Việt Nam có thể đang "gieo mầm mống một cuộc khủng hoảng tiếp theo" với chính sách tiền tệ nới lỏng, cụ thể là tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng.

'Tăng trưởng tín dụng nóng là mầm mống khủng hoảng mới tại Việt Nam'

"Quy mô đợt bùng nổ tín dụng mà Việt Nam đang trải qua là không bền vững về lâu dài" và một đợt nợ xấu tăng vọt là "không thể tránh khỏi". Ảnh minh họa: Reuters/Kham

Tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến đạt 6,3% trong quý IV năm nay. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đây sẽ là năm đầu tiên Việt Nam giảm tốc độ tăng trưởng kể từ năm 2012, dưới mức tăng trưởng 7%.

Sự suy giảm phản ánh tác động của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần 100 năm. Theo hãng nghiên cứu Capital Economics, Việt Nam có thể đang "gieo mầm mống một cuộc khủng hoảng tiếp theo" với chính sách tiền tệ nới lỏng, cụ thể là tốc độ tăng trưởng tín dụng nóng. 

Tín dụng khu vực tư nhân đang trên đà tăng trưởng ở mức gần 20% trong cả năm 2016. Trong một lưu ý gửi tới khách hàng vào ngày thứ Sáu, chuyên gia kinh tế cấp cao châu Á Gareth Leather đã viết rằng: "Quy mô đợt bùng nổ tín dụng mà Việt Nam đang trải qua là không bền vững về lâu dài" và nói thêm rằng một đợt nợ xấu tăng vọt là "không thể tránh khỏi".

Tăng trưởng tín dụng khu vực tư nhân tại Việt Nam

Hơn nữa, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng 2011. 2011 là thời điểm nhiều ngân hàng lao đao do liên quan đến khoản vay của Vinashin.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 12%-14% giai đoạn 2000-2015, tuy nhiên chỉ đạt 7,5% trong 11 tháng đầu năm 2016, theo Credit Suisse. Động lực tăng trưởng từ Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ không được mạnh mẽ như kỳ vọng ban đầu  do Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này.

Kết quả là, Deepali Bhargava, chuyên gia kinh tế châu Á tại Credit Suisse, cho rằng sự thay đổi trong chính sách của Mỹ sẽ đặt ra ba rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, VND có thể giảm giá 4 – 5% trong năm tới. Đầu tư toàn cầu suy giảm có thể tạo sức ép lên thương mại và cải cách sẽ bị trì hoãn nếu TPP đổ vỡ. 

Credit Suisse dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam sẽ đat 6,2%. Trong khi Capital Economics cho rằng con số này là 7%.

Tin mới lên