Ngân hàng

Tăng vốn ngân hàng: Thêm những áp lực mới

(VNF) – Vấn đề tăng vốn ngân hàng đang ngày càng trở lên cấp bách khi đứng trước những áp lực mới, xuất phát từ việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và việc nới tăng trưởng tín dụng lên 21-22% theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tăng vốn ngân hàng: Thêm những áp lực mới

Tăng vốn ngân hàng đang phải chịu thêm những áp lực mới

Hôm nay (15/8), Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực. Nghị quyết xử lý nợ xấu về cơ bản tập trung toàn lực vào việc đẩy nhanh việc xử lý tài sản bảo đảm. Một khoản nợ xấu khi đã được xử lý, đồng nghĩa là đã xác định được TCTD chịu thiệt hại bao nhiêu. Nếu thiệt hại thấp hơn lượng dự phòng đã trích lập, TCTD sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng, làm tăng lợi nhuận kinh doanh.

Ngược lại, nếu thiệt hại nhiều hơn lượng dự phòng đã trích lập, TCTD sẽ phải ghi nhận giảm lợi nhuận kinh doanh.

Trường hợp thứ 2 được nhìn nhận rằng phổ biến hơn nhiều, bởi rất nhiều khoản nợ xấu hiện nay vẫn còn tiềm ẩn (nghĩa là chưa được trích lập dự phòng), được cơ cấu lại (nghĩa là trích lập dự phòng chưa đầy đủ), nhiều khoản nợ xấu khác được giãn thời gian trích lập dự phòng (theo các đề án tái cơ cấu).

Khi trường hợp thứ 2 xảy ra, nghĩa là song song với việc nợ xấu được xử lý, TCTD cũng phải ghi nhận giảm lợi nhuận kinh doanh thì lúc ấy, vốn chủ sở hữu sẽ bị tổn thương, hoặc là tăng chậm hơn thông thường do lợi nhuận giảm, hoặc là bị giảm đi do chịu thua lỗ. Điều này nghị quyết xử lý nợ xấu không giải quyết được.

Thực chất, nguy cơ tổn thương vốn chủ sở hữu trên xuất phát từ việc trước nay các TCTD không ghi nhận nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro một cách đầy đủ theo quy định. Xử lý nợ xấu càng nhanh, càng thực chất thì nguy cơ tổn thương vốn chủ sở hữu càng cao.

Điều này đặt vấn đề tăng vốn ngân hàng trước áp lực mới, cấp bách hơn. Tuy nhiên, tăng vốn ngân hàng vẫn đang ở thế khó bởi chính nợ xấu đang làm giảm đi sức hấp dẫn của nhiều ngân hàng. Thêm vào đó là việc các ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn bị "trói" bởi quy định không được bán cổ phần dưới thị giá niêm yết; trong khi việc sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng này luôn gặp phản đối lớn từ dư luận.

Song song với nghị quyết xử lý nợ xấu, một trong những dấu ấn chính sách ngân hàng năm nay là nới tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng từ chỗ định hướng chỉ 18% hồi đầu năm đến nay đã được nới lên 21-22% theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Nới tăng trưởng tín dụng cũng có nghĩa ngành ngân hàng sẽ bơm thêm tiền ra nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại (NHTM) tất nhiên đóng vai trò là đầu mối bơm tín dụng. Càng bơm tín dụng, các chỉ số an toàn tài chính của các NHTM lại càng giảm do sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh hơn, kể cả khi tính đến việc lợi nhuận gia tăng (kéo theo gia tăng vốn chủ sở hữu) khi nới tăng trưởng tín dụng.

Tăng vốn là phương pháp hiệu quả nhất, thực chất nhất, thậm chí gần như là duy nhất để tái cân bằng việc sử dụng đòn bẩy tài chính tại các ngân hàng trước áp lực tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, như trên, vấn đề tăng vốn ngân hàng hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với các ngân hàng do Nhà nước sở hữu.

Tin mới lên