Thị trường

Táo Nhật Bản trở lại thị trường Việt Nam sau 5 năm

(VNF) - Sau khi lệnh cấm nhập khẩu táo Nhật Bản vào thị trường Việt Nam được dỡ bỏ, sản phẩm này đã chính thức được Tập đoàn bán lẻ Aeon nhập khẩu và bán tại Việt Nam.

Táo Nhật Bản trở lại thị trường Việt Nam sau 5 năm

Công ty TNHH Aeon Việt Nam, thuộc Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon, là đơn vị bán lẻ đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua 75 hệ thống siêu thị  với các tên gọi "Aeon", "Aeon Fivimart", "Aeon Citimart", "Ministop".Vào ngày 19/12/2015, Aeon đã tiến hành bày bán táo Nhật Bản (táo đặc sản của tỉnh Aomori) trên toàn 75 hệ thống siêu thị trên toàn Việt Nam sau khi lệnh cấm nhập khẩu và buôn bán táo Nhật Bản tại  Việt Nam được gỡ bỏ.

Với việc mở cửa thị trường nhập khẩu táo Nhật Bản, đây là lần đầu tiên những trái táo Nhật Bản được bày bán tại Việt Nam kể từ sau lệnh cấm nhập khẩu.

Do luật kiểm dịch thực vật, táo Nhật Bản đã bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2011, tuy nhiên, sau cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được tổ chức vào tháng 9/2015, lệnh cấm nhập khẩu táo đã được gỡ bỏ đối với những trái táo được trồng theo kỹ thuật "bọc trái" được ghi nhận là có khả năng chống lại sâu bệnh.

Ngày 17/9/2015, các điều kiện kiểm dịch táo Nhật Bản đã được hoàn tất, việc nhập khẩu táo vào thị trường Việt Nam được thông qua. Nhờ đó, tháng 11 năm nay, táo Aomori, sản phẩm bán thử tại thị trường Việt Nam đã được nhập khẩu.

Trong đợt bán táo lần này, Aeon cho biết đã nhập khẩu 5 loại táo Nhật Bản như loại táo ngọt Fuji, loại táo có vị chua nhẹ Jona Gold, loại táo quả tròn to Sekai Ichi.

Ông Huang Xiao Chun, Đại học Hirosaki, Nhật Bản cho biết, tổng sản lượng táo hiện nay trên thế giới là 75 triệu tấn, trong đó sản lượng táo Nhật Bản là 800.000 tấn, chiếm dưới 1%. Táo Aomori chiếm đến 50% sản lượng táo Nhật Bản, tức là chiếm 0,5% sản lượng táo thế giới.

Ngoài giống táo Jona Gold thuộc tốp 4 các giống táo cao cấp trồng tại Nhật Bản, Fuji là giống táo đầu tiên của Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới, ông Huang Xiao Chun cho biết.

Theo ông Toshimitsu Sasamori, Trưởng bộ phận quản lý táo, JA Zennoh Aomori, những trái táo Aomori được nuôi trồng qua nhiều bước chăm sóc tỉ mỉ. Từ bước "thụ phấn", "ngắt bỏ hoa nhỏ", "ngắt bỏ trái nhỏ 2 lần" cho đến khi "thu hoạch". Mỗi trái táo trồng theo kỹ thuật bọc trái phái trải qua 10 công đoạn.

Các trái táo cũng được lựa chọn một cách nghiêm ngặt, phái trải qua công đoạn đo các chỉ số về màu sắc, độ lớn, độ ngọt, độ chua, độ chín của từng quả, từ đó đánh giá và phân loại táo. Liên minh hợp tác xã Nhật Bản tỉnh Aomori đã tiến hành phân tích thổ nhưỡng, phân tích dư lượng thuốc trừ sâu hay phân tích độ phóng xạ nhằm đảm báo chất lượng từng trái táo.

Tại sự kiện kỉ niệm mở cửa thị trường nhập khẩu táo Nhật Bản vào Việt Nam ngày 19/12, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Việt Nam tại Hà Nội cho biết: "Nhằm góp phần vào thực hiện mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản "Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, thực phẩm Nhật Bản đạt 1000 tỷ yên" và phát huy thế mạnh địa phương, JETRO đang hỗ trợ tích cực việc xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản và lương thực Nhật Bản"

"Tại Việt Nam, cùng với việc thị trường tiêu dùng được mở rộng và sự quan tâm của người tiêu dùng đến các sản phẩm thực phẩm Nhật Bản vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa thơm ngon ngày càng tăng cao. Thông qua sự kiện này, không chỉ người Nhật Bản cư trú tại Việt Nam mà cả người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn nữa để thưởng thức táo Nhật Bản thơm ngon (đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam vào tháng 9 năm nay) là mong muốn của chúng tôi", đại diện JETRO nói.

Trong tương lai, Aeon cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực liên kết với các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Aeon Trung Quốc và các nước Asean để nâng cao hơn nữa mức tiêu dùng các sản phẩm nông, thủy hải sản và gia súc gia cầm Nhật Bản tại các nước Asean.

Tin mới lên