M&A

Tập đoàn bí ẩn của Trung Quốc vung hàng tỷ USD mua tài sản nước ngoài

Từ chỗ là một hãng hàng không nhỏ bé ở Hải Nam, HNA Group đã trở thành một đế chế toàn cầu chỉ trong vòng vài năm.

Tập đoàn bí ẩn của Trung Quốc vung hàng tỷ USD mua tài sản nước ngoài

HNA có khởi đầu là một hãng hàng không nhỏ bé mang tên Hainan Airlines, khi đó chỉ có vỏn vẹn 2 chiếc máy bay.

Với rất nhiều người, cái tên HNA chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng với những ai am hiểu về hoạt động M&A, thì họ đều biết rằng đây là một trong những tập đoàn bí hiểm nhất của Trung Quốc. Từ chỗ là một công ty tỉnh lẻ chẳng mấy ai biết đến, chỉ trong vòng vài năm HNA Group đã lọt vào danh sách Fortune 500 với tầm phủ sóng khắp toàn cầu.

Mạng lưới bạch tuộc

Chỉ nội trong vòng 6 tháng qua, HNA đã chi ra 5,66 tỷ USD cho các hoạt động thâu tóm ở nước ngoài, theo số liệu từ Dealogic. Theo ước tính của HNA, chỉ riêng giá trị các khoản đầu tư tại Mỹ của tập đoàn này đã lên tới 35 tỷ USD.

Rất nhiều các khoản đầu tư của HNA được thực hiện thông qua một mạng lưới các công ty con ở Trung Quốc lẫn nước ngoài. Hồi tháng 12 năm ngoái, HNA đã thâu tóm tập đoàn khách sạn Carlson Hotels (Mỹ) - chủ sở hữu các thương hiệu Radisson và Park Plaza - với cái giá không tiết lộ. Tới tháng 3 vừa qua, HNA mua tiếp 25% cổ phần tại Hilton World Wide Holdings từ Blackstone với giá 6,5 tỷ USD. Sang tháng 5, HNA trở thành cổ đông lớn nhất của Deutsche Bank, với lượng cổ phần trị giá 3,7 tỷ USD.

 
Giá trị (cột xanh lá) và số lượng (đường màu xanh) các thương vụ thâu tóm của HNA Group qua từng năm. Ảnh: Nikkei

Và đó mới chỉ là một phần nhỏ trong danh sách các thương vụ toàn cầu của HNA. Danh sách này hãy còn rất dài: Gategroup và Swissport (Thụy Sĩ), Avolon Holdings (Ireland), Ingram Micro (Mỹ),...

Với hàng loạt khoản thâu tóm khổng lồ như vậy, không có gì ngạc nhiên khi HNA đang leo lên rất nhanh trong bảng xếp hạng Fortune 500. Xuất hiện lần đầu năm 2015 ở hạng 464, sang năm 2016 HNA đã lên hạng 353, và hiện tại đang ở vị trí 170 với doanh thu 53 tỷ USD - tăng gần 80% trong vòng 12 tháng.


Các thương vụ thâu tóm nổi bật của HNA Group. Ảnh: Fortune

CEO Adam Tan (tên thật Tan Xiangdong) của HNA Group mới đây đã tuyên bố: "Chúng tôi có mục tiêu lọt vào top 10 thế giới". Tuy không biết khi nào mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực, nhưng Tan tự tin nói với Fortune rằng: "Kiếm tiền thật là dễ dàng. Giờ đây chúng tôi là những thiên tài".

Được thành lập vào năm 1993, HNA có khởi đầu là một hãng hàng không nhỏ bé mang tên Hainan Airlines, khi đó chỉ có vỏn vẹn 2 chiếc máy bay. Hainan Airlines được góp vốn bởi chính quyền tỉnh Hải Nam, với hy vọng thu hút du khách tới hòn đảo này.

Nhà sáng lập Chen Feng của HNA Group (thứ 2 từ trái qua) tháp tùng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm Vương quốc Anh hồi năm 2015. Ảnh: EJ Insight

Một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào Hainan Airlines không ai khác hơn là nhà tài phiệt khét tiếng George Soros, người đã bỏ ra 25 triệu USD để mua lại 25% cổ phần của hãng vào năm 1995. Sau đó, Soros đã nâng số vốn của ông tại Hainan Airlines lên 50 triệu USD. Nhà sáng lập của HNA Group là tỷ phú Chen Feng (64 tuổi) cho biết: "Tôi nghĩ Soros có tầm nhìn vĩ đại, vì ông ấy nghĩ rằng chúng tôi sẽ có ngày thành công".

Ngày nay, Hainan Airlines đang có 179 chiếc máy bay hoạt động trên rất nhiều đường bay nội địa lẫn quốc tế. Hainan đã trở thành hãng hàng không lớn thứ 4 Trung Quốc, và HNA còn có cổ phần tại 16 hãng hàng không khác trên khắp thế giới, kể cả ở Brazil và Nam Phi. Một chuyên gia ngân hàng đầu tư giấu tên tại Hong Kong cho biết: "HNA đã không thể trở thành một công ty toàn cầu nếu không có Adam. Ông ta là bộ mặt của tập đoàn, một nhà kiến tạo thương vụ (dealmaker) đích thực".

 

Adam Tan, CEO của HNA Group. Ảnh: Fortune

Cấu trúc bí hiểm

Theo các công bố mới đây vào hôm thứ Hai, HNA Group có cấu trúc sở hữu khá là bí hiểm. Hai tổ chức từ thiện cùng có tên Cihang - một có trụ sở tại New York và một ở Hải Nam - đang cùng sở hữu 52% HNA Group. 12 lãnh đạo của HNA, bao gồm cả những nhà đồng sáng lập Chen Feng và Wang Jian, nắm giữ khoảng 47,5%. Số cỏ phần còn lại là do Hainan Airlines nắm giữ.

Tổ chức từ thiện Hainan Cihang có trụ sở tại New York sở hữu 29,5% cổ phần của HNA, còn Hainan Province Cihang có trụ sở tại Trung Quốc sở hữu 22,75%. 1 vị đồng chủ tịch Chen và Wang mỗi người nắm 14,98% cổ phần.

Cấu trúc sở hữu hiện tại của HNA Group. Ảnh: Bloomberg

Hiện tại, HNA đang cố gắng mua lại quỹ phòng hộ SkyBridge Capital của giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci của Nhà Trắng. Thương vụ này đang bị trì hoãn để chờ đợi sự xem xét từ Ủy ban đầu tư nước ngoài (CFIUS) của chính phủ Mỹ. Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch đã nói các nhân viên của họ ngừng giao dịch với HNA, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về mức nợ và cơ cấu quyền sở hữu của tập đoàn này, theo những nguồn tin thân cận cho biết.

Không mấy ai biết các quỹ từ thiện mang tên Cihang được quản lý như thế nào và cách biểu quyết trong nội bộ ra sao, mặc dù HNA cho biết các quỹ này đã quyên góp hàng chục tỷ Nhân dân tệ.

HNA cho biết công ty có kế hoạch cập nhật cơ cấu sở hữu của mình hàng năm, và các nhà lãnh đạo công ty có kế hoạch hiến tặng tất cả cổ phần của mình cho các tổ chức từ thiện kể trên nếu họ từ chức hoặc chết. HNA kỳ vọng 2 tổ chức trên sẽ có ngày sở hữu 100 % tập đoàn.

Thông tin này khác xa với lần tiết lộ gần đây nhất vào cuối năm ngoái, khi các báo cáo của công ty cho thấy một doanh nhân có tên là Guan Jun sở hữu 29% cổ phần của HNA thông qua hai công ty holding.

Guan là một nhân vật khá bí ẩn. HNA đã cố ý che giấu vai trò của ông này, khi CEO Adam Tan nói rằng ông ta chỉ là một doanh nhân người Hoa, còn chủ tịch Chen Feng nói với tờ South China Morning Post rằng ông Guan không phải là cổ đông quan trọng vì chỉ sở hữu cổ phần "rất nhỏ". Tuy nhiên, hồ sơ của công ty cho thấy Guan sở hữu một cổ phần lớn hơn cả số cổ phần của Chen và Tan cộng lại. HNA thì cho biết Guan đã quyên góp cổ phần của mình cho Cihang.

Cơ cấu tổ chức của HNA Group. Ảnh: Nikkei

HNA gần đây đang chịu nhiều áp lực. Bên cạnh sự soi xét từ phía chính phủ Mỹ và các ngân hàng đầu tư tại phố Wall, HNA cũng đang có áp lực ngay từ chính Đại lục. 3 ngân hàng Trung Quốc đã quyết định ngừng cấp các khoản vay mới cho HNA và 1 ngân hàng đã giảm hạn mức tín dụng, theo những nguồn tin thông thạo cho biết. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng CBRC của Trung Quốc cũng đã yêu cầu các ngân hàng xem xét lại các khoản vay đã cấp cho HNA.

Đáp lại, HNA cho biết tình hình tài chính của hãng vẫn "vững mạnh" và lưu ý rằng tỷ lệ nợ/tài sản của công ty đã giảm năm thứ 7 liên tiếp cho năm tài chính 2016.

HNA cũng đang bị chỉ trích bởi nhà tài phiệt lưu vong Guo Wengui, người đã buộc tội HNA là có quan hệ bí mật với các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. HNA đã bác bỏ cáo buộc trên và đã khởi kiện ông Guo về tội thóa mạ, đòi ông này bồi thường 88 triệu USD.

Tin mới lên