Tài chính quốc tế

Tàu hải quân Anh tiến gần Hoàng Sa, Trung Quốc nói bị ‘xâm phạm chủ quyền’

(VNF) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc tàu hải quân Anh đi sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông là "vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế", xâm phạm cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".

Tàu hải quân Anh tiến gần Hoàng Sa, Trung Quốc nói bị ‘xâm phạm chủ quyền’

Tàu hải quân HMS Albion.

Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết HMS Albion, tàu đổ bộ 22.000 tấn của Hải quân Hoàng gia Anh, đã đi qua quần đảo Hoàng Sa trước khi cập cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 3/9

Cũng theo nguồn tin của Reuters, HMS Albion không đi vào vùng lãnh hải quanh bất cứ thực thể nào ở khu vực tranh chấp. Một người phát ngôn của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết: “HMS Albion đã thực thi quyền tự do hàng hải hoàn toàn phù hợp với luật pháp và qui định quốc tế.

Ngay khi phát hiện sự xuất hiện của tàu HMS Albion,  phía Trung Quốc đã cử một tàu khu trục và 2 máy bay trực thăng đến “thách thức” tàu đổ bộ của Anh nhưng cả 2 bên vẫn giữ bình tĩnh trong cuộc “đối đầu này”.

Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay  (6/9) lên tiếng "phản đối mạnh mẽ" và bày tỏ "thái độ không hài lòng", thậm chí còn nói hải quân Anh đã thực hiện "hành động khiêu khích".

Việc tàu chiến Anh đi gần quần đảo Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông.

Hải quân Mỹ từng nhiều lần tiến hành hoạt động duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông. Động thái của Anh dường như hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ nhằm ngăn chặn những hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Bắc Kinh bồi lấp trái phép và ngang nhiên tuyên rằng có “quyền chính đáng” xây dựng các "cơ sở dân sự" trên các đảo tại Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, là một trong những vùng lãnh thổ đang bị Trung Quốc đóng chiếm trái phép.

Các máy bay và tàu chiến nước ngoài ở khu vực này hoặc đi qua đây thường bị thách thức bởi các tàu hải quân và các trạm giám sát của Trung Quốc trên các đảo đã được bồi đắp, cải tạo.

Phát biểu bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 tại Singapore hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng áp lực quân sự từ Mỹ và các đồng minh đã khiến các nước trong khu vực, gồm cả Trung Quốc, phải thiết lập các cơ sở phòng thủ để tự vệ:

“Một số quốc gia không giáp Biển Đông, chủ yếu là Mỹ, đã gửi lượng lớn vũ khí chiến lược tới khu vực để phô trương sức mạnh quân sự và gây sức ép lên các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Đây chính là lý do lớn nhất thúc đẩy Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông”.

Khi được hỏi về khả năng các quốc gia khác đáp trả việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, ông Vương nói Bắc Kinh có quyền thực thi các biện pháp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall Schriver mới đây khẳng định Mỹ “sẽ không cho phép Trung Quốc viết lại quy tắc hàng hải hay thay đổi luật pháp quốc tế trên Biển Đông”.

Xem thêm >> Giới siêu giàu Việt Nam tăng nhanh hàng đầu thế giới

Tin mới lên