Ngân hàng

TCTD yếu kém được giãn lộ trình nhận diện nợ xấu để ‘tránh cú sốc lớn’

(VNF) – NHNN đang đề xuất giãn lộ trình nhận diện nợ xấu thông qua việc giãn lộ trình phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD, VAMC, giãn lộ trình trích lập dự phòng để "tránh cú sốc lớn".

TCTD yếu kém được giãn lộ trình nhận diện nợ xấu để ‘tránh cú sốc lớn’

Nợ xấu tiềm ẩn trong các khoản phải thu, lãi dự thu sẽ được giãn lộ trình nhận diện để "tránh cú sốc lớn"

Dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra đề xuất về việc giãn lộ trình nhận diện nợ xấu thông qua việc giãn lộ trình phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC.

Cụ thể, theo Điều 48, tổ chức tín dụng được phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng; chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán nợ vào kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm phù hợp với chênh lệch thu chi sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nhưng thời hạn phân bổ tối đa không quá 10 năm.

Đối với lãi dự thu phải thoái của các khoản nợ bán cho VAMC, thời gian phân bổ lãi dự thu tối đa không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu VAMC.

Theo lý giải từ phía NHNN, biện pháp này là để tránh cú sốc lớn cho tổ chức tín dụng do việc thoái lãi dự thu, phân bổ ngay chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán nợ sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của tổ chức tín dụng.

Đây cũng được NHNN coi là một trong những biện pháp hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng yếu kém, song song với một số biện pháp khác như: được bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên cho VAMC; được vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN; được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ thực trạng hoạt động đối với tổ chức tín dụng yếu kém mà NHNN đề xuất trong dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu cũng liên quan đến việc giãn lộ trình nhận diện nợ xấu được NHNN, chủ yếu thông qua việc giãn lộ trình trích lập dự phòng.

Cụ thể hơn, theo điều 19 dự thảo, trong thời hạn kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng yếu kém không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định mà chỉ cần tuân theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt; việc trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện phù hợp với thực trạng kết quả chênh lệch thu chi trong hoạt động của tổ chức tín dụng yếu kém trong từng thời kỳ.

Tin mới lên