Ngân hàng

Techcombank: Điều gì tạo nên những kỷ lục?

(VNF) – Techcombank đang thiết lập nhiều kỷ lục trên nền tảng rất riêng…

Techcombank: Điều gì tạo nên những kỷ lục?

Năm 2017, số lượng người dùng E-banking của Techcombank tăng 73,2% và khối lượng giao dịch qua kênh điện tử tăng 128%.

Techcombank, cùng với VPBank đang là 2 lá cờ đầu dẫn dắt nhóm NHTM tư nhân bắt kịp và dần vượt lên nhóm NHTM quốc doanh. Với lợi nhuận lên đến 8.036 tỷ đồng năm 2017, Techcombank đã bỏ xa "ông lớn" Agribank tới gần 3.000 tỷ đồng và chỉ còn kém lợi nhuận BIDV khoảng hơn 700 tỷ đồng và VietinBank khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.

Theo thống kê, năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp lợi nhuận của Techcombank tăng gấp đôi – một tốc độ khủng khiếp.

"Bóc tách" kỷ lục lãi từ hoạt động dịch vụ

Điểm ấn tượng nhất trong kết quả kinh doanh 2017 của Techcombank chắc chắn là khoản lãi thuần lên đến 3.811 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ - cao nhất hệ thống ngân hàng.

Phía Techcombank cho biết, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2017 tăng tới 95% so với năm trước nhờ khoản phí đại lý trả một lần liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, khiến thu nhập từ dịch vụ ủy thác và đại lý của Techcombank tăng vọt từ 61 tỷ đồng năm 2016 lên 1.543 tỷ đồng năm 2017.

Nếu không tính đến khoản phí đại lý này, doanh thu các loại phí chính cơ bản của Techcombank tăng hơn 20% so với năm 2016.

Cấu phần thu nhập/chi phí từ hoạt động dịch vụ của Techcombank 2 năm qua

Techcombank hiện là ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Tính riêng cho năm 2017, tổng phí bảo hiểm khai thác mới (APE) của toàn hệ thống Techcombank đạt gần 649 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với năm 2016 và gấp 3 lần năm 2015, dẫn đầu thị trường ngân hàng Việt Nam.

Năm qua, doanh thu phí dịch vụ thanh toán và tiền mặt đạt 1.465 tỷ đồng, vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu phí chính của Techcombank. Tuy nhiên, tỷ trọng này sẽ dần được nhường chỗ cho đà tăng lên của phí hoa hồng bảo hiểm.

Hiện Techcombank là ngân hàng đứng đầu Việt Nam về doanh số giao dịch qua thẻ Visa với 13,9% thị phần giao dịch qua thẻ tín dụng Visa toàn thị trường.

Số lượng giao dịch trực tuyến năm 2017 cũng gây ấn tượng khi tăng hơn 400% so với năm 2015 và vượt hơn 2,8 lần so với năm 2016 với lượng giao dịch đạt gần 2.800.000 giao dịch/tháng.

Kỷ lục về lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là yếu tố chính khiến tỷ trọng thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập giảm từ 69% xuống chỉ còn 55% - thuộc hàng thấp nhất hệ thống. Tỷ trọng này càng thấp, rủi ro kinh doanh càng giảm do ngân hàng ít phụ thuộc hơn vào hoạt động tín dụng.

Tìm lối đi riêng trong lĩnh vực truyền thống

Lĩnh vực truyền thống và cốt lõi đối với mỗi ngân hàng là hoạt động tín dụng, và với Techcombank hiện tại cũng vậy. Ngân hàng này đang tìm cách cơ cấu lại hoạt động này theo hướng riêng.

Báo cáo tài chính năm 2017 của Techcombank cho thấy, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt 181.002 tỷ đồng, tăng 15,96% so với cùng kỳ năm 2016.

Rất đáng chú ý, số liệu dư nợ khách hàng năm 2017 của Techcombank đang chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng dư nợ đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp và giảm tỷ trọng đối với nhóm khách hàng cá nhân.

Cụ thể, dư nợ khách hàng doanh nghiệp lớn tăng từ 44% năm 2016 lên 46% năm 2017; dư nợ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng từ 13% lên 14%; trong khi dư nợ khách hàng cá nhân giảm từ 43% xuống 40%.

Đây là điều khá trái ngược với xu hướng mà các ngân hàng hiện nay đang hướng đến: tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân để nâng biên lợi nhuận.

Cơ cấu dư nợ theo khách hàng của Techcombank 2 năm qua

Vì sao Techcombank tập trung nhiều hơn vào khách hàng doanh nghiệp?

Năm 2017, Techcombank có hơn 5 triệu khách hàng cá nhân; hơn 114.000 khách hàng doanh nghiệp, trong đó có gần 1.000 khách hàng doanh nghiệp lớn. Nhưng thành tựu không chỉ là số lượng khách hàng, mà quan trọng hơn là số lượng giao dịch đã tăng mạnh mẽ.

Riêng với nhóm khách hàng lớn, mức duy trì số dư thanh toán trên tài khoản tăng với tốc độ hơn 20%/năm trong 3 năm trở lại đây, có những khách hàng đã chuyển 70 - 80% giao dịch ngân hàng về Techcombank. Nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ SME và Upper SME có khoảng 63.000 giao dịch, chiếm khoảng 15% tổng giao dịch toàn thị trường năm 2017.

Mục đích của Techcombank dường như là cơ cấu lại tệp khách hàng theo hướng có lợi hơn cho hoạt động dịch vụ cũng như giúp tăng lượng vốn huy động giá rẻ (tiền gửi thanh toán và tiền gửi không kỳ hạn).

Hệ quả, mặc dù số dư tiền gửi không tăng trưởng nhiều năm qua nhưng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng huy động của Techcombank đã tăng lên mức 23,51% năm 2017, so với mức 22,7% năm 2016.

Diễn biến này giúp cho Techcombank giảm sức ép về chi phí huy động, góp phần duy trì biên thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức 3,90% - cao hơn mặt bằng chung của ngành ngân hàng.

Năm 2018, Techcombank tiếp tục bày tỏ tham vọng thiết lập những kỷ lục khác khi đặt mục tiêu lợi nhuận lên đến 10.000 tỷ đồng. Theo nhận định của giới đầu tư, mục tiêu này của Techcombank thậm chí vẫn còn "khiêm tốn" so với tiềm lực và triển vọng hiện có.

Tin mới lên