Ngân hàng

Thẩm định món vay chỉ 5 phút, tại sao ngân hàng không hợp tác với Fintech?

(VNF) - Thẩm định món vay truyền thống mất cả tuần, cả tháng thì Fintech chỉ cần 5 phút; chuyển tiền chỉ mất mấy giây và biết ngay tiền vào tài khoản người nhận hay chưa - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước "mời mọc" ngân hàng và Fintech hợp tác nhanh hơn nữa.

Thẩm định món vay chỉ 5 phút, tại sao ngân hàng không hợp tác với Fintech?

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước thuyết trình. Ảnh: Phạm Hiếu

Lần thứ hai, kể từ năm 2017, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ cùng các bộ, ngành tổ chức chuỗi sự kiện: Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 từ ngày 12 – 13/7.

Trong phiên hội thảo chuyên đề 4 diễn ra chiều 13/7, chủ đề “Bước tiến mới của ngành tài chính – ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với giới ngân hàng, tài chính.

Hợp tác với Fintech: lợi gấp 10 lần

Đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng, cho rằng một hành động của thanh toán 4.0 sẽ tác động tới tất cả các ngành.

Công nghiệp 4.0 là sự tích hợp, hội tụ và xoá mờ ranh giới. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức.

Vậy, cơ hội là gì? Theo ông Phạm Tiến Dũng, khi nói đến 4.0 trong ngành ngân hàng, cần phải dựa trên nền tảng Internet banking, Mobile banking, điều này là đúng nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi trong quản trị kinh doanh.

Chẳng hạn, khi ứng dụng Blockchain vào hoạt động, việc đối chiếu, rà soát tốn kém, mất thời gian như lâu nay sẽ không còn nữa. Thay vào đó, tốc độ và hiệu quả được rút ngắn gấp nhiều lần.

Hay như khi áp dụng ngân hàng số, việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch sẽ giảm rất mạnh, thậm chí biến mất ở một số khu vực. Giao dịch viên sẽ không còn, nhân viên ngân hàng lúc đó chỉ làm mỗi việc quản trị.

Ông Dũng cũng nêu một thực tế mà Fintech có thể giải quyết chóng vánh là để thẩm định 1 món vay, ngân hàng thẩm định cả tuần, cả tháng thì Fintech chỉ mất 5 phút. Để làm được điều này, Fintech tích hợp các giải pháp thu thập các thông tin người vay từ rất nhiều nguồn trên Internet như web, mạng xã hội.

“Giao dịch trên ngân hàng số rẻ hơn gấp 10 lần so với giao dịch truyền thống”, ông Dũng nói như mời mọc.

Đừng tin giấy hơn công nghệ

Phối hợp giữa ngân hàng và Fintech tạo nên hệ sinh thái và điều quan trọng là ngân hàng phải thay đổi mô hình kinh doanh. Ở đó, cho phép người dùng tích hợp các dịch vụ cơ bản trong mỗi smartphone.

Và, đối với ngân hàng, thay vì mô hình truyền thống là khách hàng chạy quanh ngân hàng thì nay, các ngân hàng phải chạy xung quanh khách hàng.

“Thay đổi mô hình kinh doanh, nghĩa là lấy khách hàng làm trung tâm, không thể là ngân hàng số mà lại bắt khách hàng đến quầy thay vì xác thực qua mống mắt, sinh trắc, nhận diện ảnh. Không thể tin giấy hơn công nghệ…”, ông Dũng nói.

Thực tế cho thấy với một cán bộ ngân hàng vừa tốt nghiệp một năm, không thể nào có đủ kinh nghiệm để nhận diện một chứng minh thư là thật hay giả, khi mà thay ảnh ở chứng minh thư trông như thật đã trở thành việc bình thường của tội phạm.

Hay như đã tích hợp dữ liệu (data) mà lại nhập dữ liệu bằng tay thay vì tự động là điều không nên.

Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, khi triển khai 4.0, không nên biệt lập ngành ngân hàng mà nên kết nối ngành ngân hàng với các ngành khác để hỗ trợ họ. Ở đó, ngân hàng có thể triển khai các dịch vụ thu thuế doanh nghiệp và tiến tới là thu thuế cá nhân.

Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, việc triển khai 4.0 không phải không rủi ro đối với người dùng và ngân hàng, khi mà biên giới quốc gia đã không còn. Điều này cho thấy vấn đề quản lý và chia sẻ dữ liệu, hạ tầng cũng phải thay đổi trong bối cảnh dữ liệu được mang lên đám mây và trôi lang thang đó đây.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, hoạt động ngân hàng số cũng gặp phải một số rủi ro, thách thức như: Ứng dụng công nghệ mới sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức, mô hình quản trị theo hướng số hóa; Yêu cầu phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính tích hợp cao, phát triển mô hình “ngân hàng không giấy tờ”; Thách thức trong việc đầu tư hiệu quả, thay đổi phương thức cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ cũng như những thách thức về nguồn nhân lực, công nghệ cao, có chuyên môn nghiệp vụ nhưng phải tăng khả năng ứng dụng và làm chủ công nghệ.

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Đầu tư Công nghệ VinaCapital:

Các tổ chức chiến thắng trong cách mạng ngân hàng 4.0 là những tổ chức có thể xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh xung quanh người dùng/khách hàng, để hiểu rõ nhất khách hàng ở quy mô lớn. Song song với tận dụng công nghệ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Đó có thể là ngân hàng, có thể không.

 

Tin mới lên