Diễn đàn VNF

‘Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách’

(VNF) – Đây là nhận định của đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nêu lên tại phiên thảo luận Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sáng 21/11 (gọi tắt là Dự thảo).

‘Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách’

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm

Phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước là cần thiết

Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận sáng nay là việc nên hay không nên mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước.

Theo ý kiến của đại biểu Trần Thế Tất (đoàn Hà Nam), việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết do thực tế tình hình tham nhũng tại khu vực này đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng.

"Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo là phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh các hành vi tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước với việc quy định 4 tội danh là tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng cần phải có quy định về vấn đề này cho phù hợp", ông Tất nói.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (đoàn Bình Dương) cho biết thực tiễn đấu tranh các tội phạm tham nhũng đã cho thấy sự móc nối, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày một phổ biến.

Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như đưa hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, gửi quà, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, tham ô, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân.

"Như vậy, tham nhũng hiện nay không còn dừng lại ở quan niệm truyền thống là sản phẩm của khu vực công mà là tệ nạn, căn bệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt ở khu vực công hay khu vực tư", ông Khánh nhận định.

Theo đánh giá của đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo là phù hợp với công ước quốc tế đồng thời thể hiện sự đổi mới tư duy trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân khi phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với khu vực tư cũng được ưu tiên phát triển lớn mạnh. Và khi một người hoặc một nhóm người thuộc khu vực này được trao quyền lực, nhưng sử dụng quyền lực đó để vụ lợi thì cũng ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người, lợi ích của cộng đồng. Việc lợi dụng quyền lực để vụ lợi trong khu vực tư về bản chất cũng không khác gì khu vực công nên phải được coi là hành vi tham nhũng", ông Hàm nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng

Ông Hàm cho rằng tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách. Nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước.

"Đây mới chỉ là bước đầu nên Luật tập trung vào phòng, chống tham nhũng tại các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, các quỹ, các tổ chức xã hội. Tôi cho như vậy là phù hợp vì kinh nghiệm cho thấy tham nhũng xảy ra tại các đơn vị này ảnh hưởng đến nhiều người và nếu tham nhũng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

"Việc mở rộng lần này cũng chỉ giới hạn ở 4 loại hình đơn vị nên không kìm hãm sự phát triển của khu vực tư và không cản trở việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước", ông Hàm nói.

Liệu có khả thi?

Đưa ra ý kiến trái chiều, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng tội phạm tham nhũng là loại tội phạm đòi hỏi một chủ thể đặc biệt, không phải ai cũng có thể vào diện tham nhũng. Cho nên một chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ nhưng không thể gọi là đồng phạm của tội tham nhũng.

"Tôi thấy tính khả thi không đảm bảo. Vì một mặt các đại biểu cho rằng cần phải thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản nhưng mặt khác lại muốn mở rộng thêm diện kiểm soát tham nhũng, như thế là mâu thuẫn với nhau và chúng ta không đủ khả năng. Như vậy quy định không khả thi mà đưa vào luật này là rất khó", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Ông Nhưỡng cũng cho rằng việc vi phạm hay một tội phạm có thể được xử lý bởi các luật khác nhau. Do vậy, để cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng

"Tôi đề nghị cân nhắc quy định mở rộng này. Quan điểm của tôi không tán thành mở rộng. Chúng ta nên bố trí kê khai tài sản từ những người bắt đầu vào ngạch công chức và chúng ta kiểm soát từ lúc đó trở lên. Tôi cho rằng điều đó mới quan trọng", ông Nhưỡng đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) cũng tán đồng việc không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật.

Theo ông Chiến, việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước với quan điểm như đề cập ở trong dự thảo luật là chúng ta đang nhầm lẫn giữa các chủ thể tham gia thực hiện có hành vi tham nhũng cũng như việc xác định tài sản tham nhũng.

"Chúng tôi thấy rằng có vấn đề về mặt thiết kế khi Dự thảo đề cập đến 12 hành vi tham nhũng, tất cả đều ở khu vực nhà nước, nhưng lại có chương đề cập đến tham nhũng ở ngoài khu vực nhà nước. Thực tế thiết kế những điều luật trong chương này, chúng tôi cũng cho rằng nó như khẩu hiệu chứ không phải là quy phạm pháp luật. Do vậy, chúng ta cần phải xác định phạm vi phù hợp và đúng đối tượng với phạm vi điều chỉnh của luật cho đồng bộ, không được mâu thuẫn", ông Chiến nói.

Cần thận trọng trong việc mở rộng

Theo ý kiến của đại biểu Trần Thế Tất, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo cần thận trọng, tránh làm phát sinh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước khi phát hiện phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Từ đó làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời, cần cân nhắc cơ chế giám sát việc thực hiện công vụ về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước để tránh lạm quyền; tránh việc thanh tra, kiểm tra tràn lan, không có căn cứ. Song song với đó là nghiên cứu các quy định pháp luật trong lĩnh vực có liên quan đến thanh tra, kiểm toán để đồng bộ hóa các quy định về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước sao cho thống nhất, phù hợp và khả thi.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh cũng bày tỏ vì đây là vấn đề mới nên cần phải mở rộng từng bước, trước mắt là áp dụng với một số lĩnh vực và những chế định phù hợp để đảm bảo vừa đạt được mục tiêu phòng, chống tham nhũng khu vực tư, vừa không gây khó khăn, cản trở cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với việc thực hiện quyền tự do kinh doanh của họ.

Tin mới lên