Tài chính quốc tế

Thặng dư thương mại Trung - Mỹ tăng cao kỷ lục, chiến tranh thương mại ‘nóng càng thêm nóng’

(VNF) - Thuế suất nhập khẩu mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng với Trung Quốc được cho là không hiệu quả khi thâm hụt thương mại của Washington với Bắc Kinh vẫn tăng cao kỷ lục trong những tháng gần đây.

Thặng dư thương mại Trung - Mỹ tăng cao kỷ lục, chiến tranh thương mại ‘nóng càng thêm nóng’

Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây gián đoạn hoạt động kinh doanh giữa hai quốc gia.

Theo các số liệu được công bố ngày 8/9 của hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã đạt 31 tỷ USD trong tháng 8, tăng gần 3 tỷ USD so với mức 28,08 tỷ USD hồi tháng 7 và vượt qua mức kỷ lục 28,97 tỷ USD được ghi nhận hồi tháng 6.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 13,4% lên mức 44,4 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 11,1% lên 13,3 tỷ USD.

Tính tổng 8 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đạt hơn 192 tỷ USD, cao hơn con số gần 168 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái góp phần làm "nóng" thêm những căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Giới phân tích nhận định nguyên nhân chính khiến thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tăng chủ yếu là do các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh các đơn đặt hàng nhằm tránh các mức thuế mới được áp dụng.

Các quan chức Trung Quốc cũng thừa nhận các nhà xuất khẩu nước này vẫn đang hối hả đẩy các lô hàng đi trước khi Mỹ áp đặt thuế quan mới và vì thế nâng các chỉ số tăng trưởng, trong khi một số công ty như các nhà máy thép đang đa dạng hóa và bán nhiều sản phẩm hơn cho các nước khác.

Các số liệu này được công bố chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế quan đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có trị giá tương đương 500 tỷ USD.

Trước đó, ông Trump ngày 7/9 cảnh báo sẵn sàng áp thuế quan lên 267 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc ngoài 200 tỷ USD hàng hóa của nước này vốn đang đối mặt với nguy cơ bị đánh thuế.

Ban hành cả hai đợt thuế quan này sẽ gần như đánh thuế lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang chiến tranh thương mại liên quan tới đòi hỏi của ông Trump rằng Bắc Kinh phải thực hiện những thay đổi chính sách kinh tế lớn.

Hiện Mỹ đã áp thuế quan bổ sung 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, chủ yếu là máy công nghiệp, linh kiện điện tử trung gian, bao gồm thiết bị bán dẫn.

Danh sách áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bao gồm một số sản phẩm tiêu dùng như thiết bị ghi âm và ghi hình, vali, túi xách, lốp xe, máy hút bụi… Mức thuế dự kiến áp lên danh sách này dao động từ 10-25%.

Điện thoại di động, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất vào Mỹ từ Trung Quốc, đến nay chưa bị "sờ gáy", nhưng chắc chắn sẽ bị áp thuế nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa.

Như vậy, ông Trump đã áp thuế và dọa áp thuế lên tổng cộng 517 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, vượt xa con số 505 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2017.

Cũng trong ngày 7/9, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói chính quyền Trump sẽ thẩm định ý kiến của công chúng trước khi đưa ra bất kì quyết định nào về danh sách thuế quan trị giá 200 tỷ USD.

Ông Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với đài CNBC rằng chính quyền vẫn đang thương thuyết với Trung Quốc về các vấn đề thương mại nhưng cho đến giờ Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu của Mỹ.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ của Mỹ, giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị trường của Trung Quốc và hạn chế các chương trình trợ cấp công nghiệp công nghệ cao.

Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây gián đoạn hoạt động kinh doanh giữa hai quốc gia. Do các nhà sản xuất Trung Quốc và khách hàng của họ tại Mỹ bị ràng buộc chặt chẽ với chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nên việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đang gây ra thiệt hại lớn cho cả hai phía.

Xem thêm >> [VNF cuối tuần] Mại dâm '25 ngàn USD' và bài toán nợ công

Tin mới lên