Tài chính tiêu dùng

Thanh toán di động hợp tác hay quay lưng

Các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thanh toán di động hiện chưa đủ lớn đến mức thao túng thị trường thanh toán, nhưng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay rất cần có chính sách cho hoạt động thanh toán di động để bảo vệ an ninh an toàn và lợi ích thanh toán quốc gia trước xu thế hội nhập...

Thanh toán di động hợp tác hay quay lưng

Ảnh minh họa.

Hết thời quẹt thẻ

ZaloPay một ứng dụng thanh toán di động ở Việt Nam đang thu hút người trẻ "link" tiền từ tài khoản ngân hàng sang thanh toán trực tuyến miễn phí mà không cần phải quẹt thẻ. Người dân có tài khoản ngân hàng chỉ cần kết nối internet để chuyển tiền miễn phí qua tài khoản ZaloPay là thanh toán mọi chi phí thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

Theo nhà phát triển ZaloPay hiện số lượng tài khoản của ứng dụng thanh toán di động này đã lên đến trên 100 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của ứng dụng này tăng lên nhanh chóng do ZaloPay nằm trong hệ sinh thái Zing bao gồm báo chí, mạng xã hội, thương mại điện tử, games…

Theo quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trung gian thanh toán hiện nay để thực hiện thanh toán, phải thực hiện quy định: tỷ lệ tài khoản 1:1 hay nói cách khác nếu người dùng chuyển 100.000 đồng từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản ứng dụng trung gian thanh toán, nhà cung ứng các sản phẩm thanh toán di động cũng phải có 100.000 đồng đối ứng cho khách hàng. Để tạo thói quen cho người dùng thanh toán bằng di động, các sản phẩm trung gian thanh toán như ZaloPay, Ví MoMo, ViMo… thời gian qua đã thường xuyên khuyến mãi trực tiếp bằng tiền cho chủ tài khoản thanh toán qua ứng dụng di động.

Giới công nghệ cho rằng hình thức thanh toán thông qua các ứng dụng công nghệ đang từng bước làm thay đổi hệ thống tài chính ngân hàng thanh toán bằng hình thức truyền thống.

Các hoạt động thanh toán di động thường được những tập đoàn thương mại điện tử phát triển để tiếp cận dữ liệu khách hàng từ đó mở rộng bán lẻ, cho vay tiêu dùng. Có quan điểm cho rằng Visa, MasterCard những tổ chức quốc tế cung cấp đường truyền kết nối thẻ tín dụng với các máy chấp nhận thanh toán – POS sẽ bị hình thức thanh toán di động cạnh tranh bằng mã phản hồi nhanh QR Code. Chẳng hạn, nếu người dùng thẻ thanh toán theo hình thức truyền thống phải có máy POS mới cà thẻ vào để được chấp nhận thanh toán.

Thì nay, với hình thức thanh toán di động bằng mã QR Code, người bán hàng hàng hóa dịch vụ không cần phải trả phí cho tổ chức tài chính đặt máy POS tại điểm bán, mà chỉ cần đưa mã QR Code cho người mua hàng dùng điện thoại di động chụp lại mã phản hồi nhanh trên mỗi sản phẩm dịch vụ là đã thanh toán xong.

Người mua khi thanh toán di động chỉ cần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình đã kết nối với tài khoản ứng dụng thanh toán di động mà không cần phải quẹt thẻ, hay nạp dãy số dài dằng dặc trên thẻ lên một trang thương mại điện tử nào đó mới thanh toán theo cách truyền thống.

Không thể cưỡng lại xu thế

Thanh toán di động bản chất là hoạt động thanh toán cá nhân không dùng tiền mặt, điều này liên quan rất rộng đến khách du lịch nước ngoài đang vào Việt Nam ngày một nhiều. Với hình thức thanh toán di động chỉ cần có internet kết nối thiết bị sẽ không có giới hạn biên giới lãnh thổ đang đặt ra một vấn đề rất lớn về an ninh tiền tệ. Các khu du lịch dọc bờ biển Việt Nam hiện nay đã bắt đầu xuất hiện những tấm biển trưng bày ghi hàng chữ chấp nhận thanh toán bằng AliPay, WeChat Pay.

Trong trường hợp khách du lịch nước ngoài sử dụng các dịch vụ nhà hàng, khách sạn của doanh nghiệp họ đến Việt Nam đặt chi nhánh, nếu thanh toán bằng những hệ thống thanh toán di động, dòng tiền sẽ chạy thẳng về nước họ mà Việt Nam chẳng thu được đồng nào.

Theo các chuyên gia tài chính, để đảm bảo chủ quyền kinh tế và an ninh toàn thanh toán trong lĩnh vực tiền tệ, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động phải có liên kết với những ngân hàng trong nước để kiểm soát các dòng tiền thanh toán di động của khách quốc tế chi tiêu từ Việt Nam. Cho đến nay mới chỉ có Công ty Cổ phần công nghệ ViMo của Việt Nam chính thức trở thành đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên cho phép khách du lịch Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán bằng VND trên lãnh thổ Việt Nam.

Mặc dù, các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thanh toán di động hiện chưa đủ lớn đến mức thao túng thị trường thanh toán, nhưng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay rất cần có chính sách cho hoạt động thanh toán di động để bảo vệ an ninh an toàn và lợi ích thanh toán quốc gia trước xu thế hội nhập. Đồng thời, cũng tạo sự công bằng thương mại giữa những người kinh doanh trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam.

Tin mới lên