Ngân hàng

Thanh toán điện tử: Những số liệu kém vui

(VNF) – Nhiều số liệu kém vui trong lĩnh vực thanh toán điện tử được đề cập trong Diễn đàn Thanh toán điện tử VEPF 2016 vừa diễn ra mới đây.

Thanh toán điện tử: Những số liệu kém vui

Đích đến của thanh toán điện tử vẫn còn xa

Phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử VEPF 2016 mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ, hiện nay có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp phải cung cấp cho người dân, nhưng chỉ có chưa đầy 1.200 dịch vụ công được cung cấp ở cấp độ 4, cấp độ có sử dụng thanh toán điện tử, tương đương với tỷ lệ chưa đầy 1%.

Theo Phó thủ tướng, nếu nhìn nhận dưới góc độ lạc quan thì con số này phản ánh tiềm năng thị trường còn rất lớn, nhưng đây cũng là con số rất đáng suy nghĩ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam diễn đàn thanh toán điện tử 2016

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra vấn đề khi chỉ chưa đầy 1% dịch vụ công thực sự sử dụng thanh toán điện tử

Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, rất nhiều chương trình đưa ra khi ứng dụng thanh toán điện tử, ứng dụng cung cấp thanh toán dịch vụ công qua mạng dù đã được khởi động nhưng còn rất nhiều vướng mắc, trong đó, có những vướng mắc theo quy định của pháp luật, nhưng quan trọng là vướng mắc do thói quen dùng tiền mặt của người dân. Ngoài ra, những hạn chế trong phương thức tiếp cận thị trường của bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cũng là những trở ngại không nhỏ.

Theo tiết lộ của bà Lại Việt Anh, Cục phó Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương, ngay trong chính lĩnh vực thương mại điện tử vốn là lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh sử dụng thanh toán điện tử cũng chỉ có 7% giao dịch trên thị trường này được thanh toán trực tuyến.

Còn theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có trên 250.000 điểm thanh toán chấp nhận thẻ (POS) với giá trị giao dịch đạt gần 160.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Tiên cho rằng, giá trị thanh toán thẻ qua POS chưa cao, nhất là thanh toán thẻ nội địa.

Về lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính cho biết, tính đến hết tháng 10/2016, tỷ lệ đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử khá cao, ở mức 96,72%. Tuy nhiên, tổng số tiền các doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước qua cổng thanh toán điện tử của Tổng cục Thuế chỉ chiếm 53,46% trong 10 tháng đầu năm 2016.

VEPF 2016

Nhiều số liệu kém vui trong lĩnh vực thanh toán điện tử được tiết lộ trong Diễn đàn VEPF 2016

Còn trong lĩnh vực giao thông, ông Vũ Quang Lâm, Thành viên HĐQT Tasco, Tổng giám đốc VETC thừa nhận, hiện tại chỉ có 2-3 đơn vị phát hành thẻ thu phí giao thông không dừng nhưng lại chưa kết nối, liên thông được với nhau.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, trong số 3 lộ trình thu phí thì Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn 1 là thu phí không dừng nhưng vẫn cần barie. Giai đoạn 2 là thu phí không cần người ở trạm thu phí mà chỉ có đầu đọc, đầu thu và giai đoạn 3 là qua ETC như ở Nhật Bản, nghĩa là người lái xe thông qua trạm thu phí mà không cần phải dừng lại. Thứ trưởng Trường cho biết, phải đến năm 2019, Việt Nam mới có thể bỏ barie.

Riêng về lĩnh vực giao thông được lựa chọn là trọng tâm thanh toán điện tử năm nay, VEPF 2016 đã có một số kiến nghị đáng lưu ý lên các bộ, ban ngành. Đáng lưu ý nhất là kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán cước dịch vụ vận tải công cộng đô thị.

Một số kiến nghị khác có thể kể đến như kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chuẩn kỹ thuật và thanh toán nhằm kết nôi liên thông thanh toán phí giao thông và dịch vụ vận tải công cộng cũng như khả năng liên thông với các dịch vụ tiện ích khác; kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các bên thống nhất cơ chế chia sẻ doanh thu thu phí theo hướng hài hoà lợi ích giữa chủ đầu tư BOT, chủ đầu tư dự án thu phí tự động không dừng BOO và chủ phương tiện tham gia giao thông; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp triển khai các giải pháp khuyến khích và tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao thông vận tải.

Ngoài ra, VEPF cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện thoả thuận liên bộ tại VEPF 2015; hướng tới khẩn trương xây dựng, triển khai Đề án tính và thu phí qua tài khoản ngân hàng đối với các dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội, theo tinh thần Quyết định 1726/QĐ-TTg ban hành ngày 5/9/2016 về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.

Tin mới lên