Tài chính tiêu dùng

Thanh toán số vẫn chưa 'mượt mà, tối ưu' như ứng dụng gọi xe Uber

(VNF) - Chia sẻ về thách thức đối với ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số khi các giao dịch, thanh toán ngày càng thông minh hơn, đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho rằng các phương thức thanh toán số hiện nay vẫn được thiết kế, cung ứng theo những mô-đun biệt lập, thiếu sự tương tác giữa ngân hàng với khách hàng, chưa mang đến khách hàng trải nghiệm người dùng mượt mà, tối ưu kiểu như ứng dụng gọi xe Uber.

Thanh toán số vẫn chưa 'mượt mà, tối ưu' như ứng dụng gọi xe Uber

Đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho rằng các phương thức thanh toán số hiện nay vẫn được thiết kế, cung ứng theo những mô-đun biệt lập.

Tại Hội thảo khoa học "Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam", ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ở Việt Nam đã cung ứng nhiều thanh toán số dưới hình thức thanh toán trực tuyến Internet Banking, SMS Banking, ứng dụng ngân hàng di động - Mobile Banking, thanh toán di động-Mobile Payment, thanh toán thẻ trực tuyến...

Tuy nhiên, những phương thức thanh toán trên vẫn được thiết kế, cung ứng theo những mô-đun biệt lập, thiếu sự tương tác giữa ngân hàng với khách hàng, chưa mang đến khách hàng trải nghiệm người dùng mượt mà, tối ưu kiểu như ứng dụng gọi xe Uber.

Khảo sát thực tế hoạt động tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng, quỹ và công ty thanh toán điện tử, ông Dũng cho rằng việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ thanh toán còn phiền phức, đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục, quy trình sử dụng phức tạp, không theo một chuẩn thống nhất. Dịch vụ thanh toán điện tử còn có một số vấn đề về an toàn, bảo mật...

"Về mặt pháp lý, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, cấp phép và giám sát các tổ chức phi ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tuy nhiên vẫn còn trở ngại về mặt quy định, pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng trẻ ưa tiện lợi, không thích quy trình, thủ tục gò bó, rườm rà cũng như tới những người dân chưa có tài khoản ngân hàng, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa", ông Dũng nhấn mạnh.

Đại diện NHNN cũng thừa nhận hành lang pháp lý, pháp quy cho những vấn đề mới như bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng, chuẩn kết nối mở, chia sẻ dữ liệu (qua open API), nhận biết khách hàng điện tử eKYC vẫn chưa được ban hành để tạo cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán an tâm đầu tư vào hạ tầng, giải pháp và nguồn nhân lực nhằm cung ứng những dịch vụ thanh toán số chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường tăng cao và kỳ vọng lớn từ phía khách hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khẳng định: "Trở thành ngân hàng số đã không là một lựa chọn, mà là sự cần thiết đối với mỗi ngân hàng".

Tuy nhiên ông cũng cho hay việc áp dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực ngân hàng hiện chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân và hỗ trợ quá trình thực hiện giao dịch, thanh toán. Các lĩnh vực khác đòi hỏi nhiều thủ tục, giấy tờ pháp lý nên chưa thể đơn giản hóa cũng như tự động hóa trong các khâu. Các bên tham gia giao dịch điện tử không được xác định danh tính, bị mạo danh; chối bỏ các hành động, dữ liệu đã được thực hiện...

Đại diện Vietcombank cho biết, với sự ra đời của điện thoại thông minh và sự phát triển của các ứng dụng trên nền tảng này đã mang lại sự tiện dụng và thay đổi cách sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên vòng đời sản phẩm của các thiết bị ngày càng ngắn, cũng như công nghệ sử dụng trên các thiết bị liên tục thay đổi nhằm gia tăng trải nghiệm, đáp ứng yêu cầu thuận tiện, dễ dàng hơn với người sử dụng.

"Do đó đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp qua các kênh này cũng thường xuyên phải được cập nhật, tích hợp với các dòng sản phẩm mới cũng như công nghệ mới được các hãng đưa ra như xác thực giao dịch, người dùng qua vân tay, nhận diện khuôn mặt; tích hợp các ứng dụng thanh thanh toán của các hãng công nghệ như Samsung pay, Apple pay, Android pay...", vị này nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, sự thay đổi nhanh chóng, cập nhật của công nghệ đang gia tăng sức ép cho ngân hàng, do phải nhanh chóng đưa ra các sản phẩm mới trên thị trường để đáp ứng thị hiếu của khách hàng và tăng sức cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với áp lực quản lý ngày càng gia tăng khi ngân hàng vẫn phải đảm bảo rằng việc phân tích rủi ro và an toàn giao dịch phải được tiến hành đầy đủ trước khi đưa sản phẩm vào thị trường.

Tin mới lên