Tiêu điểm

Thấy gì từ "Abenomics" phiên bản 2.0? (kỳ 1)

(VNF) - Đầu tháng 10/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cho công bố Abenomics phiên bản 2.0 đầy tham vọng với mục tiêu hướng tới 5.000 tỷ USD GDP.

Thấy gì từ "Abenomics" phiên bản 2.0? (kỳ 1)

Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh TL internet)

Trước đó, hồi tháng 3, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục, lên tới 96.340 tỷ yên (793 tỷ USD), cho tài khóa 2015, bao gồm cả gói kích thích kinh tế, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm tài khóa 2015. Tuy nhiên, sau hai quý đầu của năm 2015, tình hình kinh tế Nhật Bản vẫn không có dấu hiệu lạc quan, khiến Abenomics phiên bản 2.0 được khởi động.

Từ hai mũi tên trúng đích…

Ba mũi tên là thuật ngữ để chỉ nội dung cốt lõi của chính sách kinh tế Abenomics 1.0 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Mũi tên thứ nhất là "ngân sách". Ông Abe chủ trương nhà nước sẽ chi ra hàng trăm tỷ yên và còn có thể nhiều hơn nữa, nhằm khuyến khích các hoạt động bằng các kế hoạch quy mô hỗ trợ nền kinh tế, khác hẳn với chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Liên minh châu Âu (EU).

Mũi tên thứ hai là "tiền tệ". Theo đó, BOJ tiến hành cải tổ chính sách tiền tệ để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 2% trong vòng hai năm, thông qua kỹ thuật được gọi là "giảm nhẹ chất lượng và số lượng".

Bơm tiền mặt vào thị trường nhằm "bôi trơn" tín dụng, giảm chi phí cho vay kích thích đầu tư của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Theo giáo sư kinh tế Ivan Tselichtchev, thuộc đại học quản trị Niigata, quyết tâm trên ban đầu đã gây ra "cú sốc" tâm lý thuận lợi, sau nhiều năm bất ổn chính trị.

Ông nhấn mạnh: "Thủ tướng Abe đã thành công trong việc tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư, nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua hai mũi tên đầu tiên".

Hệ quả gián tiếp của Abenomic khiến đồng yen giảm giá mạnh so với đồng USD và euro, đã tạo thuận lợi lớn cho các công ty xuất khẩu Nhật Bản vì thu nhập từ nước ngoài tăng cao, cũng như giá trị trên thị trường chứng khoán gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên, đến mũi tên thứ ba là "cải cách" đã không thành công, khiến giảm phát có nguy cơ quay trở lại.

Đến mũi tên thứ ba không thành…

Cải cách là mũi tên thứ ba với tham vọng cải tổ, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm chuyển đổi sâu sắc hệ thống kinh tế và khơi dậy "tiềm năng tăng trưởng" của Nhật Bản. Hướng tới việc giảm thuế cho doanh nghiệp, tự do hóa thị trường điện, hiện đại hóa nông nghiệp, gia tăng việc làm, nhất là lao động nữ.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, hai mũi tên đầu đã thu được kết quả khả quan, còn mũi tên thức ba đã không thành công.

Trên thực tế, lợi nhuận cao hơn không kích thích nhu cầu đầu tư, hay nói cách khác là sự tác động không đáng kể, khiến các công ty, các nhà đầu tư lựa chọn giải pháp tích trữ thay vì tăng cường vốn vào đầu tư.

Còn thu nhập của người lao động chỉ tăng ở mức khiêm tốn, nhưng đã bị lạm phát và thuế giá trị gia tăng san bằng tỷ số. Tiêu dùng (chiếm 60% GDP) bị chặn lại khiến nền kinh tế tăng trưởng âm ngay từ quý II và III/2014 và hậu quả kéo dài đến ngay nay.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc kết hợp áp lực thuế khóa và chính sách kích thích tiêu dùng là một sai lầm, vì đây là hai động thái đối nghịch và triệt tiêu nhau.

Thêm vào đó là sự yếu kém của xuất khẩu "trong bối cảnh quốc tế khó khăn và việc chuyển dịch sản xuất" không thuận lợi. Thành tích kinh tế nghèo nàn đã "gây ra những mối quan ngại căn bản về sự thành công của Abenomics".

Kenneth Courtis, cựu phó chủ tịch của ngân hàng Goldman Sachs châu Á, đã phát biểu: "Đối với những người làm công ăn lương Nhật Bản, Abenomics đã trở thành trận chiến cuối cùng với ông Abe".

Lý do chính khiến Abenomics vẫn chưa chuyển hướng kinh tế Nhật Bản là do mũi tên thứ ba. Một người dân Nhật Bản có tên là Sumiko Okabe nói: "Nếu có bất cứ điều gì tốt đẹp kể từ khi ông Abe lên nắm quyền thì chúng tôi không nhìn thấy nó".

Một chuyên gia từ Viện Đại học Quốc gia đã nhận định: "Chiến lược tăng trưởng là hy vọng duy nhất. Nếu mũi tên thứ ba không có hiệu quả trong 2 năm tới, chúng ta sẽ khốn đốn".

Và khi đó những bà nội trợ tiết kiệm của Nhật Ban sẽ có nhiều điều hơn để phàn nàn, khiến Abenomics giai đoạn hai phải vào cuộc.

(còn tiếp...)

Tin mới lên