Tiêu điểm

Thấy gì từ "Abenomics" phiên bản 2.0? (kỳ 2)

(VNF) - Sau khi đã vượt qua các thử thách về chính trị, cùng với việc đổi mới nhân sự bộ máy chính phủ, Thủ tướng Abe đã cho khởi động Chương trình Abenomics phiên bản 2.0, hay còn gọi là giai đoạn 2 của Abenomics, với những mục tiêu tham vọng và dài hạn hơn.

Thấy gì từ "Abenomics" phiên bản 2.0? (kỳ 2)

Thành phố Tokyo (Ảnh BBC)

Phải khởi động phiên bản 2.0…

Cũng là ba mũi tên, nhưng lần này mỗi mũi tên nhằm tới các mục tiêu cụ thể hơn.

(1) Mục tiêu tăng trưởng GDP 600.000 tỷ yên (5.000 tỷ USD) so với con số GDP 490.000 tỷ yên của Nhật Bản trong năm tài khóa 2014 là một mục tiêu đầy tham vọng.

(2) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con. Mục tiêu này được giải thích là do tình trạng lão hoá và dân số giảm, ông Abe cam kết hỗ trợ tài chính cho các gia đình và đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ sinh lên mức bình quân từ 1,4 lến 1,8 trẻ/bà mẹ.

Đồng thời cam kết duy trì dân số luôn ở mức 100 triệu dân từ nay đến năm 2065.

(3) Cải thiện an sinh xã hội. Trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ xây dựng thêm nhiều nhà dưỡng lão để giảm bớt gánh nặng cho lao động trẻ, giúp họ yên tâm làm việc, giảm được hàng chục ngàn lao động của con cái phải ở nhà chăm sóc cho cha mẹ già.

Ba mũi tên mới của Abenomics 2.0 là sự khác biệt lớn trong chính sách kinh tế của Nhật Bản so với trước đây, vì nó nhấn mạnh mục tiêu kinh tế gắn bó chặt chẽ hơn với vấn đề an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo giới quan sát thì chính sách nới lỏng tiền tề vẫn được ông Abe tiếp tục thực hiện và với cường độ mạnh mẽ hơn.

Với BOJ "xung trận"

Để triển khai chính sách kinh tế mới, ngày 7/10 BOJ đã quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay, với chương trình kích thích kinh tế trị giá 80.000 tỷ yen (665 tỷ USD), do xu hướng giảm phát của nền kinh tế Nhật vẫn gia tăng.

BOJ đưa ra quyết định nêu trên chỉ một ngày sau khi IMF hạ mức dự báo tăng trưởng của Nhật Bản với 0,6% năm 2015 và 1% năm 2016, thấp hơn so với dự báo trước đó là 0,8% và 1,2%.

BOJ vẫn giữ nguyên nhận định rằng, nền kinh tế Nhật "tiếp tục phục hồi ở mức độ vừa phải, dù xuất khẩu và sản xuất bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế đang nổi", rằng lạm phát hiện nay vẫn ở mức 0% do ảnh hưởng giá năng lượng giảm, nhưng họ vẫn hy vọng đạt mục tiêu lạm phát 2% vào nửa đầu năm tài khóa 2016.

Giới phân tích cho rằng, Nhật Bản là một trong những nền kinh tế chịu tác động mạnh nhất từ việc phá giá đồng NDT của Trung Quốc.

NDT mất hơn 3% giá trị khiến lợi thế từ đồng yên Nhật suy giảm xuống mức thấp chưa từng có.

Đồng yên yếu là điểm cốt lõi trong chính sách Abenomic của Thủ tướng Abe nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát của nền kinh tế Nhật, nên mũi tên nới lỏng tiền tệ sẽ vẫn được duy trì trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, vấn đề xuất khẩu bị suy giảm đáng kể do thương mại với Trung Quốc đóng góp 13% vào GDP của Nhật Bản (cao hơn Mỹ), nay NDT mất giá so với USD cũng có nghĩa mất giá so với đồng yên, khiến cho lợi thế so sánh trước đây là từ phía Nhật thì nay lại thuộc về phía Trung Quốc.

Kinh tế đang tiếp tục suy yếu, những cử tri đã từng hy vọng ông Abe có thể giải quyết, thực hiện cải cách nền kinh tế Nhật Bản cho tới lúc này, vẫn chưa nhìn thấy được kết quả nào ấn tượng.

Lạm phát sau điều chỉnh giảm 2,9% trong tháng 6, một dấu hiệu báo trước GDP của Nhật Bản năm nay không mấy khả quan.

Chuyên gia kinh tế Koichi Hamada cho rằng: sự gấp rút của Thủ tướng Abe đang hướng Nhật tới một giai đoạn nới lỏng kinh tế hơn nữa.

Cú sốc đồng NDT và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế thế giới lớn hơn nhiều so với Hy Lạp, nên ông Abe sẽ phản ứng lại bằng các biện pháp rộng hơn, không chỉ là kiên trì chính sách đồng yên yếu.

Gắn mục tiêu kinh tế với an sinh xã hội

Giới chuyên gia đã có cảnh báo rằng: Hãy còn quá sớm để nói rằng Abenomic đã thất bại. Nhưng nếu các biện pháp tiền tệ và ngân sách có thể tạo tăng trưởng trong ngắn hạn, chúng không thể đạt đến trong trung và dài hạn.

Chính sách kinh tế "ba trụ cột" của ông Abe có tên gọi Abenomic đang mang lại kết quả cho dù nhiều người vẫn còn chưa cảm nhận được và hoài nghi về vấn đề này.

Tuy nhiên có một thực tế được giới phân tích chỉ ra là: Cho đến nay, các công ty lớn và các doanh nghiệp ở thành phố đang được xem là các đối tượng hưởng lợi từ các chính sách Abenomics. Còn các nơi khác, nhất là khu vực nông thôn lại ít cảm nhận được các lợi ích từ chính sách này.

Có người còn nói: "Abenomics chỉ đang che đậy những vết thương, nhưng không chữa trị các vấn đề căn bản", khiến ông Abe phải đối mặt với nhiều sức ép trong việc tiếp tục theo đuổi các trụ cột trong Abenomics để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi hai thập niên trì trệ.

Vào lúc này, nếu không bắn đi mạnh mẽ mũi tên thứ ba, thậm chí Abenomic có thể trở nên có hại khi làm tăng nợ công vốn đã rất cao, hơn 240% GDP, và gây ra mối đe dọa bong bóng tài chính. Nên ông Abe buộc phải tăng cường các cải cách về cấu trúc nền kinh tế.

Ông Abe đã đưa ra cam kết là, sẽ tiếp tục tăng cường theo đuổi chiến lược tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy chương trình cải cách bao gồm: nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế địa phương và tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.

Thủ tướng Nhật cam kết sẽ có thêm nhiều phụ nữ hơn gia nhập lực lượng lao động, bãi bỏ quy định không hợp lý trong ngành công nghiệp, tự do hóa khu vực nông nghiệp và chuẩn bị để thích ứng với thảo thuận khi tham gia TPP.

Vì thế, việc cho khởi động Abenomics phiên bản 2.0 với ba mũi tên mới bao gồm các mục tiêu kinh tế - xã hội là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Sau gần 1.000 ngày, theo giới phân tích, những gì mà Abenomics đạt được đó là một đồng yên yếu, hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu, giảm nhập khẩu, theo đó là những bước đi khiêm tốn như thắt chặt điều hành, quản lý doanh nghiệp và khuyến khích các công ty thuê thêm nhiều phụ nữ...

Giờ đây, tình thế buộc ông Abe sẽ phải hành động mạnh tay hơn trong cải cách cấu trúc nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh và giải quyết vấn đề an sinh xã hội như: việc làm, thu nhập, điều kiện sống cho người lao động, nới lỏng tiền tệ vẫn chỉ là giải pháp hỗ trợ. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, hiệu quả thực sự của Abenomics phiên bản 2.0 và nội các mới của Nhật được cải tổ vẫn còn đang ở phía trước.

 

Tin mới lên