Ngân hàng

The Asian Banker viết về cuộc chiến khốc liệt trong phân khúc ngân hàng bán lẻ Việt Nam

(VNF) - Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào phân khúc bán lẻ, nhằm tận dụng lợi thế dân số trẻ và năng động. The Asian Banker đặt ra câu hỏi cuộc đua giữa những ngân hàng mới, công nghệ cao với 4 ngân hàng Nhà nước (Big Four) sẽ diễn ra như thế nào trong thời gian tới?

The Asian Banker viết về cuộc chiến khốc liệt trong phân khúc ngân hàng bán lẻ Việt Nam

Trong quý III/2017, tổng tài sản của VPBank (bao gồm các khoản nợ và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 253.800 tỷ.

Nằm trên đường Pasteur, TP. HCM, và được thiết kế độc đáo như một quán cà phê trẻ trung, nơi các nhân viên ngân hàng mặc trang phục năng động vừa phục vụ coffee cho khách hàng, vừa giới thiệu với họ những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động, Timo Hangout là đại diện cho thế hệ ngân hàng mới tại Việt Nam và là một điển hình tiêu biểu cho phân khúc ngân hàng bán lẻ.

"Đối tượng khách hàng chính của chúng tôi nằm ở độ tuội từ 25 đến 35. Họ không muốn phải tranh thủ nửa tiếng nghỉ trưa để lấy số và xếp hàng chờ đợi tại ngân hàng", Cameron Warden, CEO của Timo Hangout chia sẻ.

Timo Hangout đã mở các chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ sau khi thành lập trụ sở chính tại TP. HCM vào tháng 5/2016. Những dịch vụ ngân hàng chính mà công ty công nghệ tài chính (Fintech) này phụ vụ khách hàng là những ứng dụng trên điện thoại từ những ứng dụng đơn giản như thanh toán hóa đơn, nạp thẻ điện thoại tới những sản phẩm phức tạp hơn như bảo hiểm và thấu chi. 

"Chúng tôi đánh giá tiềm năng thị trường vào khoảng 34 triệu người. Chúng tôi hiện có hơn 100.000 khách hàng và nhiều cơ hội tăng trưởng", ông Warden cho biết thêm.

Đối tác công nghệ cao

Timo Hangout được ấp ủ bởi VinaCapital - Công ty quản lý tài sản tại Việt Nam. Vì Việt Nam chưa ban hành các quy định pháp luật về hoạt động của các công ty Fintech, Timo phải tìm kiếm các ngân hàng trong nước làm đối tác. "Những nhà sáng lập Timo đã tiếp xúc với nhiều ngân hàng khác nhau và lựa chọn VPBank là đối tác vì những lợi thế công nghệ và tiềm năng của ngân hàng này", ông Warden cho biết.

VPBank cung cấp nền tảng để Timo được cấp phép hoạt động. VPBank giúp Timo kiểm tra khách hàng mới, chịu rủi ro cho những khoản thấu chi và chia sẻ lợi nhuân với Timo. Đối với VPBank, Timo là một kênh mới để tiếp cận với các khách hàng và nhân viên ngân hàng trẻ.

VPBank là một ngân hàng tư nhân được thành lập vào năm 1993 khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép cho các ngân hàng cổ phần cho các nhà đầu tư trong nước. Ngân hàng này đã được tái cơ cấu với bộ máy quản lý mới vào năm 2010. 

Phần lớn những lãnh đạo chủ chốt của VPBank tốt nghiệp từ các trường đại học kỹ thuật Nga với tầm nhìn chuyển đổi VPBank trở thành một trong những ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam, tập trung vào phân khúc ngân hàng bán lẻ, dưới sự tư vấn từ Công ty McKinsey & Company.

VPBank đẩy mạnh phân khúc bán lẻ

Năm 2012, ông Nguyễn Đức Vinh trở thành Tổng Giám Đốc VPBank, người trước đó đã giữ vị trí Tổng Giám đốc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Technombank). 

"Khi ông Nguyễn Đức Vinh làm CEO của Techcombank, ngân hàng này trở thành Ngân hàng tốt nhất [tại Việt Nam]. Khi ông đến với VPBank, trong 5 năm, ông đã giúp ngân hàng này trở thành ngân hàng bán lẻ tốt nhất", ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết.

Sự tăng trưởng ấn tượng của VPBank có được nhờ chiến lược đặt trọng tâm vào bán lẻ với bốn phân khúc: sản phẩm vay tín chấp tiêu dùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng tiểu thương và khách hàng cá nhân ở tầng lớp mới nổi. Từ năm 2013, ngân hàng này đã tiến hành tập trung hóa quy trình phê duyệt tín dụng về hội sở và 217 chi nhánh tập trung vào bán hàng.

Quá trình tập trung hóa này giúp ngân hàng này tăng cường năng lực quản lý rủi ro, một phần tối quan trọng trong bối cảnh ngân hàng Việt Nam đã từng rơi vào khủng hoảng năm 2012 và vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.

"Hiện nay, bốn khối bán lẻ chiếm khoảng 75% tổng doanh thu và 25% còn lại do các khối khác đóng góp. Trước đó, tỉ trọng giữa các khối bán lẻ và khối doanh nghiệp vào khoảng 50/50", bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài Chính VPBank, cho biết.

Từ năm 2013-2016, tổng thu nhập hoạt động của VPBank tăng gấp 3 lần từ 4.900 tỷ đồng lên 16.900 tỷ đồng, giúp VPBank trở thành ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam về thu nhập. Sản phẩm cho vay tín chấp cá nhân do công ty con của VPBank, FECredit, phụ trách chiếm 40% thu nhập. 

Trong quý III/2017, tổng tài sản của VPBank (bao gồm các khoản nợ và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 253.800 tỷ, tăng 25% so với cuối năm 2016, nằm trong top 10 các ngân hàng Việt Nam.

Từ năm 2013-2016, tổng thu nhập hoạt động của VPBank tăng gấp 3 lần từ 4.900 tỷ đồng lên 16.900 tỷ đồng.

Vay tín chấp tăng trưởng mạnh

"VPBank bắt đầu tham gia vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng tín chấp có biên lợi nhuận cao, nhưng đi kèm với rủi ro lớn vào 3 năm trước và những nỗ lực của ngân hàng này đã cho ra những trái ngọt khi lợi nhuận tăng và ngân hàng lọt vào top 10 ngân hàng tại Việt Nam", Wee Siang Ng, Giám đốc Cao cấp của Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cho biết. Lĩnh vực tài chính tiêu dùng cá nhân là một phần tạo nên sự bùng nổ của ngân hàng bán lẻ Việt Nam.

"Các sản phẩm cho vay cá nhân đã phát triển từ cách đây 2 năm và chúng tôi hi vọng sẽ duy trì vai trò chủ chốt trong 2 năm tiếp theo, được thúc đẩy bằng thị trường nhà đất đang lên, sự phát triển của tầng lớp trung lưu, tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, cũng như nguồn FDI mạnh", ông Ng. cho biết.

GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6.3% trong năm 2017, tăng nhẹ so với mức 6.2% năm 2016, theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á. Nguồn FDI tăng kỷ lục đạt 15,8 tỷ USD trong năm 2016 và hi vọng vượt mức 20 tỷ USD trong năm 2017, theo ước tính từ Chính phủ Việt Nam. Trong 2 năm qua, chính phủ đã kiểm soát lạm phát, ổn định đồng tiền, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

"Việt Nam có một định hướng chính sách nhất quán trong nhiều năm, đây là một điểm sáng mà chúng tôi không nhìn thấy ở nhiều nền kinh tế khác", theo ông John Ditty, Phó Tổng Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn tài chính & Mua bán Doanh nghiệp (M&A), KPMG Việt Nam.

Các ngân hàng nước ngoài vào cuộc

Sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế đã sản sinh ra tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng tại Việt Nam với hàng trăm nghìn hộ gia đình thuộc phân khúc cao cấp tham gia thị trường hàng năm, theo ông Dennis Hussey, Tổng Giám Đốc ANZ tại Việt Nam. Mở chi nhánh tại Việt Nam từ năm 1993, ANZ là 1 trong số 7 ngân hàng nước ngoài được cấp phép tại Việt Nam.

Sau khi xây dựng vị thế vững vàng trong phân khúc cao cấp tại thị trường, ANZ quyết định bán mảng bán lẻ của mình cho ngân hàng Shinhan vào đầu năm 2017, hoàn tất chuyển giao toàn bộ chị nhánh, ATM, nhân sự vào cuối năm 2017.

"Quyết định này được đưa ra dựa trên thực tế khan hiếm nguồn vốn, khan hiếm nguồn đầu tư và chi phí đầu tư lớn để xây dựng năng lực cạnh tranh trong phân khúc bán lẻ. Mặt khác, Shinhan nhìn thấy ở phân khúc này cơ hội lớn để chiếm lĩnh toàn bộ thị trường", ông bổ sung. 

HSBC duy trì vị thế

HSBC đã bán mảng khách hàng cá nhân tại một số thị trường như Thái Lan, nhưng vẫn duy trì mảng ăn nên làm ra này tại thị trường Việt Nam. Không như Thái Lan, nơi các ngân hàng nước ngoài thường bị giới hạn chỉ một chi nhánh, tại Việt Nam, các ngân hàng này không phải chịu giới hạn số lượng. HSBC có 15 chi nhánh tại Việt Nam, tạo điều kiện để ngân hàng này tiếp cận với phân khúc cao cấp.

HSBC đầu tư vào mạng lưới toàn cầu và tăng cường sự hiện diện tại Châu Á trong những năm gần đây khi Việt Nam thành địa điểm hấp dẫn thu hút dòng FDI và M&A, Từ năm 2012 - 2016, HSBC đã tham gia vào các giao dịch M&A với tổng trị giá 3.8 USD. Ngân hàng này đã đóng vai trò là cố vấn bên bán cho Tập đoàn Casino của Pháp khi tập đoàn này bán mảng bán lẻ của mình cho một tập đoàn của Thái Lan.

Tận dụng vị thế của mình trong mảng khách hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam đã mở rộng sang mảng bán lẻ. 

Cạnh tranh giữa ngân hàng nhà nước và tư nhân

Trong số các ngân hàng Việt Nam, mọi động thái của 4 ngân hàng Nhà nước, chiếm khoảng một nửa tài sản của hệ thống, luôn thu hút sự chú ý của cộng đồng. VietinBank, BIDV, Agribank và Vietcombank, được thành lập từ năm 1988 để triển khai các hoạt động công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và thương mại.

Những ngân hàng Nhà nước này tiếp tục là một công cụ kinh tế quan trọng của Đảng và Nhà nước, dù đã có sự độc lập hơn từ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2012. Nhiều khoản nợ xấu tại những ngân hàng này phát sinh từ các khoản vay cho các công ty Nhà nước. Đến cuối năm 2012, các khoản nợ xấu chiếm tới 12% theo số liệu từ Ngân hàng Thế Giới.

Trong khi hệ thống ngân hàng đã giảm nợ xấu xuống 3% năm 2016, các ngân hàng này vẫn phải chịu gánh nặng xóa bỏ nợ xấu, làm giảm lợi nhuận. Tất cả các ngân hàng Việt Nam (khoảng 40 ngân hàng) cần được tái cơ cấu để đạt được yêu cầu Basel II vào năm 2020.

Lớn hơn nhưng không tốt hơn

Mục tiêu tái cơ cấu này làm khó các ngân hàng lớn hơn là các ngân hàng nhỏ. VPBank là một ví dụ, ngân hàng này đã niêm yết cố phiếu trên HoSE và huy động thành công nguồn vốn cần thiết trong tháng 8/2017, thu hút được 6.400 tỷ đồng.

Viễn cảnh này khó có thể xảy ra khi các ngân hàng thuộc nhóm "Big Four" niêm yết trên sàn chứng khoán, xét đến tỷ lệ nợ xấu không ổn định và lợi nhuận chỉ ở mức trung bình, thu hút các đối tác chiến lược nước ngoài cũng khó khăn hơn.

VPBank đã niêm yết cố phiếu trên HoSE và huy động thành công nguồn vốn cần thiết trong tháng 8/2017, thu hút được 6.400 tỷ đồng.

Chính phủ cho phép các ngân hàng Nhà nước bán tới 30% vốn cổ phần cho ngân hàng nước ngoài. Có thể kể đến ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ đã sở hữu 19.7% VietinBank và Mizuho sở hữu 15% Vietcombank. Trong khi đó, Agribank và BIDV hiện không có đối tác nước ngoài và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

"So với trước đây, ngành ngân hàng ít nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài hơn",  theo ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV. Ông cũng cho biết thêm thực hiện theo quy định Basel II, các ngân hàng nước ngoài rất khó có thể gộp doanh thu của các ngân hàng cổ phần nhỏ vào doanh thu của mình.

Ông Phương nhìn thấy nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ những ngân hàng trong khu vực. "Hiện tại, chúng tôi đang chủ động thảo luận với những nhà đầu tư tiềm năng và hi vọng rằng những thông báo về đầu tư sẽ sớm được công bố".

Thu hút nhân tài

Một trong những phương pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động là thu hút nhân tài. Vietcombank gần đây đã bổ nhiệm Thomas Tobin, cựu CEO của HSBC Việt Nam phụ trách mảng ngân hàng bán lẻ. Trong khi đó, BIDV cũng đẩy mạnh phân khúc này. Chiếm tới 45% tổng số các khoản vay, BIDV là ngân hàng cho vay bán lẻ lớn nhất cả nước.

Các ngân hàng Nhà nước nằm trong chương trình cổ phần hóa của Nhà nước nhằm cắt giảm sự kém hiệu quả trong khu vực công. "Nếu không có các chương trình cổ phần hóa và áp lực tăng cường hiệu quả và lợi nhuận của khu vực kinh tế công, các ngân hàng này sẽ không thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế", Giám đốc đầu tư của VinaCapital Andy Ho cho biết. 

"Nếu các ngân hàng Nhà nước không thay đổi cách thức hoạt động, họ sẽ bị lấn lướt bởi các ngân hàng khác như CIMB, DBS và OCBC", ông kể tên những ngân hàng hiệu quả của Singapore.

"Tôi nghĩ 4 ngân hàng Nhà nước tạo ra một thế tiến thoái lưỡng nan cho chính phủ", Ông Nguyễn Đức Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết. "Những ngân hàng này muốn giữ vị thế chủ đạo nhưng lại không thể thu hút các đối tác nước ngoài vì ưu tiên lớn nhất của các đối tác này là lợi nhuận", ông nói.

Trong khi đó, VPBank, với lợi nhuận tốt, đã thu hút 23% nhà đầu nước ngoài khi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch. Các ngân hàng cổ phần thành công khác tại Việt Nam có thể kể đến là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng Phát triển TP. HCM có thể sẽ sớm niêm yết trên sàn chứng khoán trong tương lai.

Ông Thành nhấn mạnh rằng trước khủng hoảng ngân hàng 2012, 4 ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu để bị mất thị phần vào tay các ngân hàng thương mại, nhưng xu hướng đó đã phần nào chững lại khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp mức lãi suất trần, tạo lợi thế cho các ngân hàng Nhà nước. 

"Hiện tại, nền kinh tế đã hồi phục, xu hướng này sẽ tiếp tục và các ngân hàng tư nhân sẽ có cơ hội phát triển. Tôi nghĩ các ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì vị thế lớn trên thị trường nhưng vị thế này đang giảm dần", ông Thành cho biết.

Tin mới lên