Tài chính quốc tế

Thế giới đang cạn dần các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng

Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), David Lipton vừa lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh các nhà hoạch định chính sách toàn cầu "cạn kiệt" các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Thế giới đang cạn dần các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng

Phó Giám đốc điều hành IMF David Lipton.

Ông David Lipton đồng thời lo ngại các nhà hoạch định chính sách "nhụt chí" trong việc ngăn chặn sự xuống dốc của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế bấp bênh

Trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 2 vừa qua, các quốc gia đều thừa nhận những thách thức mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, trong đó phải kể đến đà phục hồi còn yếu và chưa ổn định.

Tại châu Âu, cùng với gánh nặng nợ công, cuộc khủng hoảng người nhập cư đang khiến Liên minh châu Âu (EU) "điêu đứng".

Tại Mỹ, dù vẫn giữ được đà tăng trưởng, song nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, khi chi tiêu tiêu dùng, lĩnh vực đóng góp 2/3 GDP của Mỹ, đang tăng chậm lại và xuất khẩu giảm mạnh do những dấu hiệu sa sút của kinh tế toàn cầu.

Tại Nhật Bản, tình trạng giảm phát vẫn đang "ngáng đường" đà phục hồi của nền kinh tế nước này.

Trong khi đó, "đầu tàu" tăng trưởng là Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu rõ ràng về sự giảm tốc và có nguy cơ "hạ cánh cứng".

Trong một đánh giá gần đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo nếu Trung Quốc không triển khai các biện pháp cải cách "hiệu quả và đáng tin cậy", tăng trưởng GDP của nước này có nguy cơ chậm lại đáng kể, trong bối cảnh gánh nặng nợ nần làm suy giảm hoạt động đầu tư doanh nghiệp và các điều kiện về nhân khẩu học đang ngày càng bất lợi.

Những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu đã "đè nặng" lên các thị trường tài chính. Kể từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu đã giảm 6%, khiến thị trường chứng khoán thế giới "bốc hơi" trên 6.000 tỷ USD (tương đương 8,5% GDP toàn cầu).

Hạ lãi suất, bơm tiền vẫn chưa hiệu nghiệm

Trước những dấu hiệu bi quan về triển vọng của kinh tế toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã liên tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm thêm tiền vào thị trường, áp dụng lãi suất âm, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này vẫn còn giới hạn.

Bất chấp một loạt biện pháp mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện nhằm đẩy lui nguy cơ giảm phát, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2/2016 tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã rơi xuống âm 0,2% lần đầu tiên trong 5 tháng qua, cách rất xa mục tiêu đưa lạm phát lên 2% của ECB.

Kể từ năm 2014, ECB đã áp dụng tỷ lệ lãi suất âm, để thúc đẩy đà phục hồi của kinh tế Eurozone. Trước đó, ECB cũng tung ra chương trình mua trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỷ euro, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay, các chuyên gia cho rằng tính hiệu quả của các biện pháp này vẫn ở mức tổi thiểu. Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã phải hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm nay từ 1,8% xuống 1,7%.

Cùng chung xu hướng nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và liên tục bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), GDP của nước này năm 2015 chỉ tăng 6,9%, thấp hơn nhiều con số 7,3% của năm 2014 và là thấp nhất trong 25 năm qua.

Trong tháng 2/2016, kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2015 xuống còn 821,8 tỷ NDT (126,3 tỷ USD), mức thấp nhất trong gần bảy năm qua.

Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng

Nguy cơ suy giảm của kinh tế toàn cầu đang ngày càng tăng, khi sự biến động mạnh của các thị trường tài chính và giá hàng hóa thấp đang làm dấy lên những quan ngại về "tình hình sức khỏe" của kinh tế thế giới.

Những lo ngại này được "nuôi dưỡng" một phần nhờ quan điểm cho rằng các nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia đang "cạn" dần "đạn dược" trong cuộc chiến bảo vệ tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những công cụ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần được sử dụng một cách cẩn trọng, với mục tiêu giảm thiểu những nguy cơ, thay vì gây thêm "rắc rối".

Ví dụ, quyết định hạ lãi suất có thể làm gia tăng các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, làm gia tăng rủi ro cho hệ thống tài chính. Theo đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới không nên lạm dụng các công cụ hỗ trợ kinh tế.

Trong báo cáo mới đây, Phó Giám đốc điều hành IMF David Lipton cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, các quốc gia cần tiến hành cải cách cấu trúc kinh tế.

Ông Lipton thừa nhận việc tiến hành cải cách là một thách thức về mặt chính trị tại nhiều quốc gia và cũng tiêu tốn một khoảng thời gian nhất định để cho thấy kết quả. Tuy nhiên, cải cách đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Lipton, giảm bớt các rào cản ngăn chặn sức cạnh tranh, đơn giản thủ tục hành chính, tạo thêm công ăn việc làm, tăng cường đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu được cho là những chiếc chìa khóa để thúc đẩy kinh doanh sản xuất.

Thêm vào đó, các nước cũng cần cải cách doanh nghiệp quốc doanh, tăng cường tính minh bạch trong quản lý, nâng cao tính hiệu quả trong đầu tư công và giảm bớt những khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình đầu tư.

Ông Lipton nhấn mạnh cách tiếp cận với "ba mũi tên" gồm chính sách cải cách cấu trúc, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ giúp các quốc gia giảm gánh nặng nợ nần, thúc đẩy tăng trưởng và tạo dựng sự ổn định của hệ thống tài chính.

Tin mới lên