Tài chính

Thế Giới Di Động: Lãi sau thuế 2017 đạt 2.207 tỷ đồng, nợ vay tăng 42%

(VNF) – Theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 66.339 tỷ đồng, tăng 48,7% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.207 tỷ đồng, tăng 40%.

Thế Giới Di Động: Lãi sau thuế 2017 đạt 2.207 tỷ đồng, nợ vay tăng 42%

MWG vượt kế hoạch năm về doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất

Quý IV/2017, doanh thu thuần của MWG đạt 18.718,7 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 3.044 tỷ đồng, tăng 38%.

Trong quý, doanh thu tài chính đạt 97 tỷ đồng, tăng 51,5%. Bên cạnh đó, MWG cũng ghi nhận thêm 6 tỷ đồng lợi nhuận khác. Do vậy, dù chi phí tài chính tăng 66,6% lên 65 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 43% lên 1.979 tỷ đồng, MWG vẫn báo lãi trước thuế 734 tỷ đồng, tăng 60,6% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của MWG đạt 66.339 tỷ đồng, tăng 48,7%; lợi nhuận gộp đạt 11.141 tỷ đồng, tăng 54,4%.

Doanh thu tài chính trong năm tăng gần gấp đôi lên 250 tỷ đồng. Tuy nhiên các loại chi phí cũng tăng đáng kể: chi phí tài chính tăng 94% (lên 233 tỷ đồng), chi phí bán hàng tăng 63,7% (lên 7.017 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 44% (lên 1.347 tỷ đồng).

Tuy nhiên, với doanh thu lớn, MWG vẫn kết thúc năm 2017 với khoản lãi sau thuế lên đến 2.207 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước.

Với kết quả kinh doanh này, MWG đã vượt 4,8% kế hoạch năm về doanh thu và vượt 0,3% kế hoạch năm về lợi nhuận sau thuế.

Tại ngày 31/12/2017, tổng tài sản của MWG là 22.813 tỷ đồng, tăng 55,6% so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn là 18.864 tỷ đồng (tăng 53,5%), tài sản dài hạn là 3.949 tỷ đồng (tăng 54%).

Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho chiếm 64% (12.050 tỷ đồng). Năm qua, hàng tồn kho đã tăng 28,6%, chủ yếu do tăng tồn kho thiết bị điện tử (tăng gấp 1,7 lần), thiết bị gia dụng (tăng 1,9 lần)…

Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng rất mạnh, từ 1.410,6 tỷ đồng lên 2.774,7 tỷ đồng (tăng 1.364 tỷ đồng, tương đương tăng 97%). Trong đó, khoản "phải thu ngắn hạn của khách hàng" có mức tăng mạnh nhất, từ 243 tỷ đồng lên 1.441 tỷ đồng (tương đương tăng 6 lần).

Các đơn vị đang "om" vốn của MWG là: Home Credit Việt Nam (174 tỷ đồng), VPBank (131 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (914 tỷ đồng + khoản cho vay gần 85 tỷ đồng)…

Các khoản "phải thu ngắn hạn khác" cũng tăng đáng kể từ 852 tỷ đồng lên 1.120 tỷ đồng (tương đương tăng 31%), chủ yếu do tăng khoản phải thu từ các nhà cung cấp như Samsung Thái Nguyên (199 tỷ đồng), Công ty Sony Electronics Việt Nam (166 tỷ đồng), Samsung HCMC CE Complex (149 tỷ đồng), Apple Việt Nam (111 tỷ đồng), Panasonic Việt Nam (106 tỷ đồng).

Đáng chú ý, lượng tiền mặt trong năm của MWG đã tăng khá mạnh, từ 994 tỷ đồng lên 2.190 tỷ đồng, tương đương tăng 2,2 lần.

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả của MWG là 16.904 tỷ đồng, tăng 53,5% so với đầu kỳ. Nợ ngắn hạn chiếm 93% tổng nợ (15.712 tỷ đồng) và tăng tới 43%.

Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ vay chiếm 40% và tăng 42% so với năm trước do sự xuất hiện của khoản vay dài hạn 1.192 tỷ đồng.

Danh sách chủ nợ của MWG năm 2017 xuất hiện thêm cái tên Standard Chatered Bank – Singapore Branch (với khoản cho vay ngắn hạn 324 tỷ đồng và cho vay dài hạn 161 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nợ vay ngắn hạn của MWg đã gần ngang bằng với vốn chủ sở hữu (5.603 tỷ đồng/5.909 tỷ đồng).

Tin mới lên