Công nghệ

The Kafe và lời cảnh tỉnh từ mô hình startup không phải công nghệ

(VNF) - Startup sống trong môi trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác, muốn phát triển cũng cần môi trường thuận lợi, có tư vấn hỗ trợ và cái nhìn ủng hộ từ cộng đồng.

The Kafe và lời cảnh tỉnh từ mô hình startup không phải công nghệ

Một buổi sáng như thường lệ, điện thoại của chị Mary rung báo có tin nhắn của công ty cung cấp thực phẩm Tiny Owl mà chị là khách hàng thường xuyên, kể từ ngày 21/5/2016 công ty đóng tất cả các chuỗi nhà hàng tại các thành phố của Ấn Độ, ngoại trừ vài điểm ở Mumbai – nơi Tiny Owl có trụ sở chính. 

Một kết cục bất ngờ cho một startup dịch vụ thực phẩm nổi tiếng của Ấn Độ được rót vốn tới 27 triệu USD từ các nhà đầu tư. Tiny Owl – một startup trong số  400 startups chuyên về chuỗi nhà hàng phục vụ đồ ăn uống được thành lập liên tục  trong vòng 3 năm qua với tổng góp vốn từ nhà đầu tư là 120 triệu USD.

Đây chưa phải là hồi kết cho câu chuyện một startup thực phẩm thất bại. Startup công nghệ thực phẩm Dazo cũng phải tuyên bố dừng hoạt động vì thiếu vốn. Và một giấc mơ lại dang dở.

Đây là 2 trong số nhiều trường hợp startup chuyên về chuỗi nhà hàng, cung cấp thực phẩm, đồ ăn thức uống kinh doanh không thành công dẫn đến thất bại diễn ra tại Ấn Độ - một quốc gia mà nền tảng công nghệ thông tin phát triển, khởi nghiệp và startup được nuôi dưỡng bởi chính phủ một cách bài bản và chiến lược.  

Và còn rất nhiều startup khác ở các quốc gia khác nhau, cũng đang trong tình trạng ngoắc ngoải và vật vã.  

Theo ông Shikhar Ghosh, giảng viên cao cấp của Trường Kinh doanh Harvard, tỉ lệ thất bại của mô hình startup là 70% đến 95%, phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa về sự thất bại.

TS. Phan Thị Thùy Trâm, Chủ tịch Mạng lưới DNXH Việt Nam

Câu chuyện trên liên tưởng đến hai câu chuyện đang rất nóng ở Việt Nam hiện nay, gây bão tranh luận trong cộng đồng startup sau khi cafeF đăng tải. 

Hai trong số các startup không phải về công nghệ ở Việt Nam, đó là The KAfe - chuỗi cửa hàng đồ ăn uống đô thị phục vụ ẩm thực fusion (hợp nhất) và Koh Samui – chuỗi cửa hàng phục vụ đồ ăn Thái. 

Cả hai mô hình trên đều đang đối diện với nguy cơ "cửa tử". Tại sao ý tưởng rất hay lại có nguy cơ thất bại? Theo một số khách hàng đã từng ăn ở cả hai nơi này cho biết dịch vụ ở đó ngày càng kém chất lượng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ chưa phải là tất cả.

Chuỗi nhà hàng Koh Samui của Nguyễn Hà Linh -  gương mặt trẻ tiêu biểu vừa được vinh danh trong Top "30 under 30" gương mặt của Tạp chí Forbes đầu năm 2016  hiện tại đã phải đóng cửa 2/5 cửa hàng, các cửa hàng còn lại cũng đối diện với nhiều khó khăn khác. 

Koh Samui vận hành theo phương thức nhượng quyền (Franchise) là một mô hình kinh doanh mới mẻ hiện đang phát triển rất mạnh. Sự vấp váp trong quá trình kinh doanh mô hình Franchise đều có thể đến từ lỗi của người nhượng quyền (franchisor) và người nhận quyền (franchisee) hay sự không nhất quán của hoạt động trong suốt mạng lưới franchise. 

Là một mô hình franchise, việc đóng cửa hàng trong kinh doanh là điều bình thường, thậm chí có quan điểm cho rằng "đóng nhanh, đóng sớm các cửa hàng lỗ còn là năng lực cốt lõi quan trọng đơn cử như thế giới di động cũng mạnh nhờ năng lực này".  

Tuy nhiên, khi được vinh danh một giải thưởng là đồng nghĩa với việc trở thành biểu tượng nhất định và chịu sự giám sát của cộng đồng. Khi vừa vinh danh doanh nghiệp tiêu biểu chưa ráo mực mà làm ăn kém đi, thua lỗ dẫn đến co cụm lại cơ sở kinh doanh thì có lẽ cần phải xem xét lại quy trình xét duyệt dự án của Forbes, vì tối thiểu cũng phải xem xét tính khả thi của dự án, đây là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.

Chuỗi cửa hàng The Kafe nổi tiếng chưa kịp vui mừng nhận được hết 5 triệu usd rót vốn crowdfunding thì ngay lập tức đối diện với việc bị đối tác tố cáo chiếm dụng vốn kinh doanh, không chịu thanh toán nợ. 

Không những vậy, cô chủ Đào Chi Anh còn đang gặp vấp váp trong kỹ năng xử lý với truyền thông khi rơi vào khủng hoảng. Hình ảnh một cô chủ lên báo trả lời vòng vo đầy sơ hở không những cho thấy CEO không phải người nắm hết được mọi việc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới thương hiệu cá nhân mà còn bộc lộ những yếu kém trong tổ chức bộ máy công ty, cổ đông nội bộ trong ngoài mâu thuẫn và một nền tảng quản lý chưa tương xứng với tốc độ mở cửa hàng, cách thức huy động vốn từ Hongkong và chuyển giao vốn có vấn đề ... 

Đây cũng là một bài học cho các start up khi chưa quan tâm nhiều đến việc ủy quyền trách nhiệm từ Hội đồng quản trị cho đại diện hợp pháp thực hiện các giao dịch mang tính pháp lý của công ty.  

Bất đồng trong nội bộ hoặc với nhà đầu tư là 1 trong 10 nguyên nhân dẫn đến thất bại của startup, theo một khảo sát tại Thung lũng Silicon. 

Không những vậy, nhiều người vẫn hay đánh đồng hai khái niệm "startup" và "khởi nghiệp". Khởi nghiệp là khi mở một nhà hàng, một quán ăn nhỏ, một tiệm cắt tóc hay một văn phòng luật sư ... 

Còn khi là một startup, là tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn hay tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất hoặc một loại công nghệ độc đáo, ví dụ như thiết bị phát hiện thực phẩm tẩm hóa chất hoặc làm giả, dụng cụ chống hít vào khói thuốc độc hại dành cho người không hút thuốc …

Không có con đường nào rải hoa hồng. Startup sống trong môi trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác, muốn phát triển cũng cần môi trường thuận lợi, có tư vấn hỗ trợ và cái nhìn ủng hộ từ cộng đồng. Và trên hết, chính bản thân người chủ, những người bỏ công sức phải hiểu rằng, bước chân vào thì dễ, rút ra thì khó.

Tin mới lên