Ngân hàng

Thí điểm phá sản ngân hàng: Đòn mạnh để giải quyết nợ xấu

Trong thời gian tới Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.

Thí điểm phá sản ngân hàng: Đòn mạnh để giải quyết nợ xấu

Việc cho phá sản ngân hàng khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực của Nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu. Ảnh minh họa

Còn nhiều ngân hàng yếu kém

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2016. Theo nhận định của cơ quan này, hiện tại, một số tổ chức tín dụng vẫn là nơi tập trung của nợ xấu và lãi dự thu của toàn hệ thống.

Cụ thể, nợ xấu của 19 tổ chức tín dụng chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống. Đặc biệt, lãi dự thu (đa phần lãi dự thu có khả năng biến thành nợ xấu) của riêng 9 tổ chức tín dụng đã chiếm 61,7% tổng lãi dự thu của toàn hệ thống. Rõ ràng, 9 hay 19 tổ chức tín dụng này đang là mắt xích yếu kém của hệ thống ngân hàng hiện nay.

TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét, tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian qua đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt là đã giúp hệ thống thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ.

Tuy nhiên, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn những tồn tại chưa khắc phục được hoàn toàn, đặc biệt là vẫn còn những ngân hàng yếu kém, quy mô nhỏ, tập trung phần lớn nợ xấu của hệ thống.

Theo nhận xét của ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, trong số 9 ngân hàng tái cơ cấu bắt buộc đợt 1, ngoại trừ TPBank thành công, còn hầu hết đang rất khó khăn.

Thực tế, ngoài các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc đợt 1 và vẫn đang gồng sức tái cơ cấu như SCB, GPBank, CB…, nhiều trường hợp yếu kém khác đã xuất hiện như DongA Bank, Eximbank, Ocean Bank… Riêng với 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng (CB, GPBank, Ocean Bank), việc xử lý vẫn đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian, công sức của Ngân hàng Nhà nước.

Sẽ "mạnh tay" với những ngân hàng yếu kém

Xử lý ngân hàng yếu kém là nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiệm vụ đó vẫn chưa hoàn thành.

Nhiều ý kiến cho rằng, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng hay cho các ngân hàng yếu thêm thời gian để xử lý nợ, tránh đổ vỡ hệ thống là cần thiết. Tuy nhiên, với những ngân hàng "độc hại" mà các ông chủ không có thiện chí xử lý, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên cho phá sản, đồng thời xử lý trách nhiệm cá nhân.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 22/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.

Phó thủ tướng cho biết hiện dư luận rất quan tâm là có hay không việc sử dụng các nguồn lực Nhà nước để giải quyết nợ xấu.

"Chúng ta đừng lẫn lộn hai khái niệm ngân sách Nhà nước và nguồn lực Nhà nước. Thực tế là từ trước đến giờ và có lẽ sau này cũng vậy, chúng ta rất cân nhắc chuyện sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém", ông Huệ nêu ý kiến.

Phó thủ tướng phân tích thực tế các ngân hàng đang dùng nguồn lực Nhà nước. "Khi Nhà nước cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt, thì có nghĩa là dùng ngân sách rồi. Bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%.


Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời báo chí ngày 22/10. Ảnh: TT.

Cho nên đừng nghĩ chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Lần này chúng ta khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực của Nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu", ông Huệ nói.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chính phủ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino.

"Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm.

Với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì gọi là xử lý ngân hàng yếu kém", Phó thủ tướng khẳng định.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (đại biểu tỉnh Ninh Bình) cũng đưa ra nhận định, việc đảm bảo an toàn hệ thống là cần thiết, Chính phủ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, nhưng những ngân hàng bê bết quá thì không thể để tồn tại được.

"Bết bát quá thì cứu mãi sao được! Người dân và xã hội cần ổn định, thị trường cần minh bạch mà mình cứ chạy theo các ngân hàng yếu kém là thiếu minh bạch", theo Bộ trưởng Dũng.

Đồng quan điểm việc "thẳng tay" cho phá sản các ngân hàng yếu kém, thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa, giảng viên Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, cho biết: Việc phá sản của ngân hàng cũng là chuyện bình thường. Chính sách tiền tệ là vì lợi ích của hàng trăm nghìn doanh nghiệp chứ không phải vì lợi ích của vài chục ngân hàng.

"Nếu Nhà nước muốn cứu thì hãy cứu hàng trăm nghìn doanh nghiệp khó khăn hiện nay, bởi vì khi họ phá sản, hàng loạt người sẽ phải thất nghiệp, cuộc sống sẽ khó khăn hơn", thạc sĩ Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc NHNN, trong giai đoạn 2010 – 2015, ngành ngân hàng đã qua nhiều cuộc đại phẫu. Do vậy, từ năm 2016, các ngân hàng thương mại phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các ngân hàng quy mô vốn còn thấp. Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu. Điều quan trọng nhất các ngân hàng phải tăng thêm là vốn phải là "vốn sạch", bởi nếu tăng bằng vốn ảo thì sớm muộn cũng gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù tái cấu trúc giai đoạn 3 năm 2012 – 2015 đã hoàn tất, nhưng NHNN vẫn tiếp tục xử lý các TCTD yếu kém, sáp nhập sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016. Nếu các NHTM yếu kém không tự khắc phục được cũng sẽ dẫn đến việc phá sản. "Trước mắt, có thể cho phá sản các quỹ tín dụng, các Công ty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần, sau đó sẽ đến nhà băng nhỏ yếu kém", ông Thanh khẳng định.

Ai cũng biết, lĩnh vực ngân hàng rất nhạy cảm, nếu để ngân hàng phá sản sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền, gây bất ổn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, quyết định cho phá sản những ngân hàng yếu kém, làm ăn không hiệu quả của Chính phủ thể hiện sự quyết tâm mãnh liệt để giải quyết nợ xấu, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino.

Xem thêm: Tiền gửi người dân sẽ ra sao khi phá sản ngân hàng?

 

Tin mới lên