Tiêu điểm

Thị trường cạnh tranh thật sự là động lực cho phát triển

(VNF) - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Vương Đình Huệ, nêu quan điểm về động lực phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Thị trường cạnh tranh thật sự là động lực cho phát triển

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn của Chinhphu.vn về một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế trong thời gian tới.

- Thưa ông, nhìn  lại năm 2015, ông có thể nói gì về những điểm chúng ta làm chưa tốt hoặc cần phải cải thiện?

Ông Vương Đình Huệ: Năm 2015, chúng ta đạt được nhiều kết quả khả quan về kinh tế: tăng trưởng kinh tế cao (6,5%); sản xuất công nghiệp phục hồi; tiêu dùng, sức mua, tổng cầu được cải thiện; an sinh xã hội cũng được thực hiện rất tốt.

Đạt được những kết quả trên, ngoài việc điều hành tốt còn phải kể đến các hiệu ứng bước đầu của các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết… đạt kết quả đáng khích lệ.

Đặc biệt là môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện mạnh mẽ nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng… Kinh tế Việt Nam đang tiến thêm một bước hội nhập mạnh mẽ bằng việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, cộng với đó là hàng loạt các FTA song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các nước, các đối tác và hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tôi cho rằng năm 2015, tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ngân hàng, xử lý nợ xấu… được đẩy nhanh hơn. DNNN cũng được "tăng tốc" trong cổ phần hóa và thoái vốn bằng rất nhiều biện pháp như: Cho áp dụng cơ chế thị trường, nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài, bán cổ phần theo lô, áp đặt trách nhiệm cá nhân đối với các lãnh đạo trong bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta vẫn chưa đạt kế hoạch như mong muốn, về cả thoái vốn cũng như cổ phần hóa… Do thị trường mua bán nợ còn kém phát triển, cơ chế, thủ tục pháp lý, xử lý tài sản (động sản, bất động sản) còn bất cập và năng lực tài chính của VAMC còn có hạn nên việc xử lý nợ xấu vẫn gặp khó khăn.

Nghị quyết 19 của Chính phủ, dù có nhiều nỗ lực nhưng một số mục tiêu cải cách môi trường đầu tư kinh doanh đến cuối 2015 cũng chưa đạt được như mong muốn. Giữa quy định trên văn bản với thực thi của các cơ quan và công chức còn có khoảng cách. Mức tính toán là giảm thời gian, thủ tục các tổ chức quốc tế công bố chưa được như chúng ta dự tính. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng còn thấp; phát triển du lịch vẫn còn hạn chế lớn so với tiềm năng; năng suất lao động, năng suất lao động tổng hợp còn thấp.

- Để tiếp nối, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, theo ông thời gian tới, mà trước mắt là năm 2016, chúng ta phải ưu tiên nhiệm vụ nào?

Ông Vương Đình Huệ: Tiếp đà thành công từ những năm trước, trong năm 2016 và những năm tiếp theo, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Nhưng nếu chỉ cải cách các thủ tục hành chính mà không tháo gỡ vướng mắc trên thực tế thị trường thì chúng ta vẫn chưa thoát hẳn ra được vòng luẩn quẩn.

Ví dụ, chúng ta đã và đang rất nỗ lực xử lý nợ xấu, nhưng muốn giải quyết triệt để, không có thị trường mua bán nợ thật sự thì cũng khó xử lý. Hoặc thị trường trái phiếu mà không phát triển thì việc huy động vốn lâu dài sẽ khó khăn.

Một số lãnh đạo của tập đoàn tài chính lớn nước ngoài có trao đổi thẳng thắn với tôi là thực tế các nhà đầu tư rất sẵn lòng mua trái phiếu của Việt Nam nhưng ít người muốn cầm tờ trái phiếu 10 - 15 năm… bị "đóng băng" (thực tế thời gian vừa qua ta phải phát hành các kỳ hạn ngắn, chủ yếu qua hệ thống ngân hàng). 

Tôi cho rằng phải có thị trường phái sinh phát triển thì nhà đầu tư mới yên tâm. Điều rất đáng mừng là trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Khi có thị trường phái sinh, chúng ta không chỉ bán trái phiếu qua các ngân hàng mà có thể thu hút vốn của các định chế tài chính khác, của các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí, an sinh từ 15-20 năm, thậm chí là 30 năm.

Trong lĩnh vực  thương mại, nông nghiệp, việc tạo dựng các loại thị trường sẽ giúp ích rất nhiều, góp phần giúp bà con nông dân  thoát cảnh "được mùa rớt giá" đã từng diễn ra… Việc hình thành và vận hành các sàn giao dịch, khi có thị trường giá cả tương lai, có quyền chọn mua, chọn bán thì rủi ro của nhà sản xuất, của người nông dân được san sẻ bớt…

Tất nhiên, muốn tạo dựng sàn giao dịch sẽ phải có các đơn vị kiểm toán các đơn vị tham gia sàn, đồng thời phát triển dịch vụ tư vấn về thông tin thị trường… Do đó, tôi cho rằng, một trong những trọng điểm của năm 2016 là tháo gỡ vướng mắc các loại thị trường, kể cả thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tiền tệ),  thị trường lao động, bất động sản và thị trường khoa học công nghệ.

Nếu không tháo gỡ khó khăn của 5 loại thị trường cũng như các yếu tố thị trường thì sự phát triển sẽ gặp trở ngại.

Tôi cho rằng, trong năm 2016,  hai trọng điểm cần chú ý là khắc phục sự "lệch pha" của hai khu vực của nền kinh tế, rồi khơi thông phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Ngoài ra, vẫn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, thực hiện mục tiêu kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng XHCN.

- Xin ông cho biết rõ về nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng XHCN mà Việt Nam đang hướng tới là gì? Việc tạo sự bình đẳng giữa các thành phần DN sẽ được thực hiện thế nào?

Ông Vương Đình Huệ: Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, chúng ta phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo nghĩa thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa giữa Nhà nước và thị trường. 

Nhiều chuyên gia quốc tế cũng thống nhất với chúng ta rằng Nhà nước và thị trường "như hai mặt của một đồng xu", mỗi bên có chức năng riêng nhưng không triệt tiêu nhau mà tương hỗ nhau. Một nền kinh tế thị trường hoàn hảo chỉ phát triển được trong điều kiện Nhà nước vững mạnh. Thực chất, lần này chúng ta nói thị trường chủ yếu xoay quanh phân phối các nguồn lực và phải kiên trì giải bài toán này.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, một nền kinh tế "hiện đại" cũng là một yêu cầu bắt buộc khi hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia TPP không hiện đại thì mình không thể bắt nhập được với các đối tác.

Thế nên chúng ta phải hiểu thị trường hiện đại ở đây là phải có thị trường cả về trình độ, quy mô, cả về cơ cấu lẫn thể chế mà thể chế này phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, kết quả các lĩnh vực tái cơ cấu có tiến triển. Các vấn đề liên quan đến đầu tư công cũng đạt kết quả khá tốt. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải nỗ lực hơn nữa để tiến về phía trước một cách bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới lên