Tài chính tiêu dùng

Thị trường Fintech Việt Nam vẫn còn nhiều 'đất' để triển khai

CEO của Money Lover cho rằng, Fintech tại Việt Nam vẫn chỉ là giai đoạn "chớm nở" và các startup vẫn còn nhiều "đất" để hoạt động.

Thị trường Fintech Việt Nam vẫn còn nhiều 'đất' để triển khai

Ông Ngô Xuân Huy, nhà sáng lập Money Lover - một sản phẩm ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên thiết bị điện thoại di động, startup quen mặt trong lĩnh vực Fintech.

Trả lời nhadautu.vn về giải pháp chung của thị trường Fintech tại Việt Nam hiện nay, ông Ngô Xuân Huy, nhà sáng lập Money Lover - một sản phẩm ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên thiết bị điện thoại di động, startup quen mặt trong lĩnh vực Fintech cho biết lĩnh vực Fintech đang hoạt động mạnh tại Việt Nam là Payment và Lending. 

Tuy nhiên, cũng theo ông, Fintech tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi, chủ yếu là Mobile Payment và cho vay tài chính tiêu dùng. Hai mảng này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành Fintech.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường Fintech tại Việt Nam, ông nhận định: "Tài chính luôn là mảng khá thú vị thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Fintech cũng vậy". "Fintech luôn liên kết với dòng tiền do đó luôn cuốn hút các nhà đầu tư", ông Huy nhấn mạnh.

Khẳng định thêm một lần nữa, ông cho hay Fintech tại Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn "chớm nở", chưa được mạnh mẽ như các quốc gia phát triển hơn như Anh, Mỹ. Do đó theo nhà sáng lập Money Lover, thị trường Fintech Việt Nam vẫn còn nhiều "đất" để triển khai.

Cùng với đó, vị CEO cũng nhận định rằng hành lang pháp lý cho Fintech tại Việt Nam vẫn chưa được vững vàng. "Vì vậy, khi làm lĩnh vực Fintech tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều rào cản", ông Huy nhấn mạnh.

Sự ra đời và phát triển của Fintech cũng có nhiều ý kiến trái chiều, từ việc ghi nhận đóng góp tích cực của lĩnh vực này, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Fintech ra đời và phát triển sẽ khiến nhiều nhân viên ngân hàng mất việc. Về vấn đề này, vị CEO cho hay: "Thực ra, bất cứ cuộc cách mạng nào về năng suất lao động thì nó đều sợ hãi như vậy. Nhưng thực sự chúng ta đã trải qua 2-3 cuộc cách mạng về công nghiệp rồi. Do vậy, khi có một công việc nào mất đi sẽ có một công việc khác được sinh ra".

"Khi các công việc mới được sinh ra sẽ mang lại hiệu suất công việc cao hơn và đóng góp cho các tổ chức cao hơn nhiều. Bởi các vị trí được thay thế bằng máy như thế thì rõ ràng là những việc đó được lặp đi lặp lại và không cần sử dụng quá nhiều trí tuệ", ông diễn giải.

Trước thực trạng hiện nay, trên thị trường có nhiều thương vụ mua bán startup. Gần đây nhất là việc Appota thông báo đã mua lại Wifi Chùa. Vị CEO Mone Lover cho rằng xu hướng mua bán và sáp nhập trong startup ở quốc tế khá là đương nhiên. "Đây là con đường "exit" của startup. Ở Việt Nam có vẻ chưa quen nhưng đây là một hướng đi hết sức bình thường", ông nói.

"Bởi khi việc mua lại các startup giúp cho công ty của mình đi nhanh hơn và kết hợp được với hệ sinh thái của mình đang có là điều rất bình thường. Tại Việt Nam công cụ này chưa được áp dụng nhiều lắm, việc hai công ty được ghép vào với nhau là điều khá nhạy cảm", ông nói.

Tin mới lên