Thị trường

Thị trường M&A 2017: Khó lòng vượt mốc 5,8 tỷ USD

(VNF) – Theo dự báo của Diễn đàn M&A Việt Nam, nếu không có những yếu tố đột phá, giá trị M&A sẽ không dễ vượt qua con số 5,8 tỷ USD của 2016.

Thị trường M&A 2017: Khó lòng vượt mốc 5,8 tỷ USD

Thị trường M&A 2017 đang cần một cú hích lớn để tăng trưởng

Thị trường M&A giảm tốc

Theo báo cáo của Diễn đàn M&A Việt Nam, tổng giá trị M&A năm đạt mốc kỷ lục đạt 5,8 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015.

Các ngành bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng, bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam. Đặc biệt là bán lẻ, năm qua, lĩnh vực này đã đóng góp 38,46% tổng giá trị của các thương vụ. 

Trong đó, đáng chú ý nhất là sự thâm nhập vào thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp Thái Lan. Như đầu tháng 5/2016, Central Group đã chi 1,05 tỷ USD để mua lại hệ thống Big C từ tập đoàn Casino Group. Trước đó, TCC Holdings - một tập đoàn khác từ Thái Lan - cũng đã mua lại toàn bộ chuỗi hệ thống Metro Vietnam Cash & Carry với giá trị thương vụ là 800 triệu USD.

Thị trường M&A 2017: Khó lòng vượt mốc 5,8 tỷ USD ảnh 1

Hoạt động M&A tại Việt Nam đang suy giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2016

Theo Diễn đàn M&A, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.

Trong khi Nhật bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại. Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ và vật liệu-hóa chất với mục tiêu mở rộng thị trường còn Hàn Quốc thực hiện một số thương vụ trong lĩnh vực thực phẩm và tài chính – ngân hàng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Diễn đàn, các thương vụ lớn chỉ tập trung chủ yếu vào giai đoạn nửa đầu năm 2016. Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi chưa có nhiều thương vụ lớn và có chất lượng được công bố. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam quý I/2017 theo IMAA mới đạt 1,1 tỷ USD (bằng 75,6% mức bình quân quý của 2016).

Những thách thức cho thị trường M&A Việt Nam

Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng thị trường M&A Việt Nam hiện còn tồn tại hàng loạt rào cản, làm chậm lại mức tăng trưởng chung của thị trường.

Cụ thể, chất lượng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá yếu. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn trong khi vốn điều lệ của các doanh nghiệp Việt Nam mới ở mức 50 – 80 tỷ đồn, tương đương 2 – 4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5 – 10 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn và có sức cạnh tranh yếu nên cũng không phải là đối tượng được quan tâm của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao. Ngoài các công ty nhà nước cổ phần hóa, nơi cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ và thoái từng phần, nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp. Trong khi hiện các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt là vấn đề báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch. Đây là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại. Hiện nay đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hình thức kế toán hai sổ, điều này làm cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khan cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Yếu tố văn hóa cũng là một yếu tố gây trở ngại cho các giao dịch M&A khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có thói quen làm việc với người nước ngoài. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp Việt kì vọng giá quá cao trong một số trường hợp khiến cho các thương vụ khó đạt được thống nhất.

Hai kịch bản cho M&A 2017

Diễn đàn M&A dự báo 2 kịch bản cho giá trị M&A trong năm 2017. Một là kịch bản thận trọng, giá trị M&A tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD (tương đương mức suy giảm 14% so với năm 2016.

Hai là trong trường hợp có đột biến ở những thương vụ lớn từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, giá trị M&A có thể đạt từ 6,2 – 6,5 tỷ USD hoặc cao hơn nữa (tương đương tăng trưởng thị trường từ 6,5 – 10%)

Như vậy với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 3 năm (2015 – 2017) tuy nhiên tốc độ  tăng trưởng đã chậm lại để chờ đợi những thương vụ mới xuất hiện, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp.

Thị trường M&A 2017: Khó lòng vượt mốc 5,8 tỷ USD ảnh 2

Trong năm 2017 – 2018, các thương vụ M&A sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông, năng lương, hạ tầng được kì vọng sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược hoặc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài

Tin mới lên