Thị trường

Bỏ độc quyền cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện

Thủ tướng Chính phủ đã "bật đèn xanh" cho Tập đoàn điện lực Việt Nam xem xét khả năng các đơn vị có đủ năng lực tham gia cung ứng than cho nhu cầu các nhà máy nhiệt điện than.

Bỏ độc quyền cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện

Bỏ độc quyền cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Ảnh minh họa

Cụ thể, tại văn bản số 46/TTg-CN của về việc cung cấp than cho sản xuất điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – TKV) tính toán nhu cầu than cần thiết cho sản xuất điện trong giai đoạn hiện tại và tương lai, bao gồm cả nguồn than trong nước và nhập khẩu để có kế hoạch cụ thể bảo đảm đủ nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy. 

Bộ này cũng được giao chỉ đạo TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các doanh nghiệp khác (đã được cấp phép khai thác, sản xuất kinh doanh than) có tham gia khai thác than rà soát, tính toán năng lực cung ứng than (kể cả sản xuất trong nước, nhập khẩu than) cho các nhà máy nhiệt điện và các hộ tiêu thụ khác để xây dựng kế hoạch cụ thể về khai thác và nhập khẩu, bảo đảm cung cấp đủ, ổn định than và đặc biệt là "đảm bảo giá cạnh tranh cho các nhà máy nhiệt điện". 

"Cởi trói"

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo EVN "xem xét khả năng các đơn vị có đủ năng lực tham gia cung ứng than cho nhu cầu các nhà máy nhiệt điện than, đảm bảo các yêu cầu sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và phải có nguồn than hợp pháp" và các đơn vị cung cấp than (TKV, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị khác) phải "làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp than ổn định và lâu dài". 

Chỉ mấy chữ "các đơn vị khác" xếp sau TKV và Tổng công ty Đông Bắc nêu trên nhưng văn bản của lãnh đạo Chính phủ đã "cất một hòn đá" vốn đè nặng "lồng ngực" của các nhà máy điện và các doanh nghiệp kinh doanh than bấy lâu nay. 

Như Tạp chí Nhà đầu tư từng có loạt bài đề cập, việc đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng than là vấn đề sống còn đối với nhà máy nhiệt điện. Tính chung toàn thị trường, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện hiện lên tới gần 30 triệu tấn/năm. Thế nên kể cả các chủ đầu tư "đại gia" như PVN, EVN cũng phải nhiều lần "cầu cạnh" TKV trong việc cấp than mà nguyên nhân oái oăm là vì những mệnh lệnh hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường.

Đơn cử như một "ý kiến kết luận" của Tổng cục Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương) ngày 20/4/2016, theo đó, PVN bị yêu cầu chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 "tập trung mua than của TKV sản xuất". Đồng thời, "chủ động làm việc với TKV để ký hợp đồng mua bán than năm 2016", "đàm phán để ký kết hợp đồng mua bán than dài hạn cho nhà máy trước ngày 15/7/2016". 

Không chỉ làm méo mó thị trường, những "mệnh lệnh" hạn chế cạnh tranh như thế này còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo Thông tư 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện thì giá nhiên liệu (than, khí) là yếu tố đầu vào chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành sản xuất nhiệt điện. 

Giá nhiên liệu cạnh tranh đương nhiên sẽ có giá điện cạnh tranh và ngược lại. Giá bán than trong nước của TKV vẫn bị than phiền đắt đỏ hơn so với thế giới, vì giá thành khai thác than cao hơn so với mặt bằng chung. Có thời điểm, ngay tại chân nhà máy, chênh lệch giữa hai giá (than trong nước và nhập khẩu) tính ra lên tới 5 USD/tấn.

Như vậy, nếu dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các nhà máy điện tiêu thụ than cho TKV thì vô hình chung là đã gián tiếp "ép" người tiêu dùng điện phải chịu thêm chi phí không đáng có. 

Niềm tin vào Chính phủ kiến tạo

Trong loạt bài "Dân phải bù lỗ hàng ngàn tỷ cho TKV qua giá điện?" và "Trớ trêu hai gia than" đăng tải trên Tạp chí Nhà đầu tư/BizLIVE năm 2016, Tạp chí Nhà đầu tư từng đặt vấn đề: Tập thể Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang cho thấy quyết tâm hết sức mạnh mẽ trong việc "giữ vững ngọn lửa đổi mới", tạo môi trường kinh doanh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để tinh thần này thấm nhuần đến tất cả các cấp, các ngành, các công chức, viên chức là điều không dễ dàng. 

Sau chưa đầy 1 năm, câu chuyện mà chúng tôi đề cập đã được lãnh đạo Chính phủ giải quyết theo đúng tinh thần "kiến tạo". Bằng văn bản này, có thể thấy rằng từ nay TKV sẽ không còn vị trí gần như là độc tôn trong việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Từ phía chủ đầu tư, EVN sẽ có nhiều không gian hơn để tối ưu hoá chi phí. Từ phía các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu than sẽ có thêm nhiều cơ hội cạnh tranh. 

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cần được xoá bỏ. Như chúng tôi từng phản ánh, một số nhà máy nhiệt điện vẫn đang có tình trạng hạch toán hai loại giá than. Nguyên nhân là vì, theo quy định của Bộ Công Thương, các nhà máy nhiệt điện chỉ được thanh toán chi phí than đã mua từ nguồn khác với giá than bao gồm cước vận chuyển "không vượt quá" giá than trong nước kể cả cước vận chuyển do Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV) cung cấp. Nhưng khi giá than nhập không những không vượt mà còn thấp hơn nhiều, thì giá than trong nước lại không bị điều chỉnh, cứ thế "bình chân như vại". 

Tin rằng, dưới sự điều hành của một Chính phủ kiến tạo, hành động, những rào cản không đáng có như vậy sẽ tiếp tục bị dỡ bỏ để khơi thông động lực cho nền kinh tế. 

Tính chung toàn thị trường, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện hiện lên tới gần 30 triệu tấn/năm. Thế nên kể cả các chủ đầu tư "đại gia" như PVN, EVN cũng phải nhiều lần "cầu cạnh" TKV trong việc cấp than mà nguyên nhân oái oăm là vì những mệnh lệnh hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường. 
Tin mới lên