Thị trường

Công ty con của bà Nguyệt Hường bị tòa án buộc trả nợ 23 tỷ đồng

Hội đồng xét xử TAND huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) vừa tuyên buộc Công ty TNHH Tài nguyên khoáng sản Hà Nội - Điện Biên phải trả cho nhà thầu hơn 23 tỷ tiền nợ và nộp hơn 120 triệu án phí sơ thẩm.

Công ty con của bà Nguyệt Hường bị tòa án buộc trả nợ 23 tỷ đồng

Hội đồng xét xử quyết định Công ty CKD phải trả Công ty Tiên phong – Vi na số tiền nợ 23 tỷ đồng.

Bị đơn con nhà gia thế

Theo bản án, trong các năm 2013-2014, Công ty TNHH Tài nguyên khoáng sản Hà Nội - Điện Biên (tên viết tắt là CKD, trụ sở tại bản Nậm Bay, xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo) ký 8 hợp đồng thuê Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và thương mại Tiên phong - Vina (Mỹ Đình, Hà Nội) thực hiện các hạng mục xây lắp, vận tải… Tổng giá trị thực hiện các hợp đồng là 39 tỷ đồng (làm tròn số/PV), đã thanh toán 20 tỷ, còn nợ 19 tỷ tiền gốc và 4 tỷ  tiền lãi trả chậm (tính đến ngày 30/6/2016).

Căn cứ Bộ luật Dân sự và quy định pháp luật hiện hành, hội đồng xét xử quyết định buộc bị đơn - Công ty CKD phải trả nguyên đơn - Công ty Tiên phong – Vina tổng số nợ cả gốc và lãi là 23 tỷ đồng. 

Phiên tòa kéo dài trong hai ngày, từ 28 - 29/11, được cho là vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại lớn nhất từ trước đến nay mà TAND huyện miền núi xa xôi này xét xử.

Tuy nhiên, không phải số tiền tranh chấp mà chính hành vi của bị đơn mới là điều khiến dư luận địa phương xôn xao. Không có đại diện nào của Công ty CKD có mặt ở phiên xử, cũng như trước đó họ đã phớt lờ luôn hai phiên hòa giải tại tòa.

Công ty CKD được biết đến là công ty con của Công ty cổ phần Khai thác chế biến khoáng sản Việt (VMPCO). Trong giới khai khoáng Việt Nam, VMPCO gần đây nổi lên như một "đại gia" thâu tóm hàng chục mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn, đứng phía sau là cổ đông sáng lập - Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (TNG Holdings) của cựu ĐBQH Nguyệt Hường, sở hữu 55% vốn điều lệ.

Vì là một doanh nghiệp "con nhà gia thế" như vậy, cho nên việc họ chây ì không chịu trả nợ nhà thầu và cũng không màng giải quyết tranh chấp tại tòa án khiến những người biết chuyện đều không khỏi ngạc nhiên.

"Giải quyết tranh chấp tại tòa án theo trình tự tố tụng dân sự là chuẩn mực ứng xử trong đời sống doanh nghiệp. Việc bị đơn không đếm xỉa đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại tòa như trường hợp này là rất hi hữu", luật gia Lê Văn Tỉnh nói với BizLIVE.

Chủ sở hữu có liên đới trách nhiệm?

Vì không mời được người đại diện theo luật pháp của bị đơn đến tòa, TAND huyện Tuần Giáo buộc phải ủy thác thu thập chứng cứ và lấy lời khai đương sự cho TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - nơi vị này cư trú.

Theo bản khai gửi đến tòa của ông Võ Tiến Dũng - Chủ tịch Công ty CKD, hiện tại VMPCO đang làm các thủ tục để chuyển nhượng cổ phần và các công ty thành viên cho chủ đầu tư mới, các hồ sơ kỹ thuật, kế toán, con dấu, đăng ký kinh doanh hiện đã bàn giao cho cổ đông để làm các thủ tục chuyển nhượng, bản thân ông hiện không còn được nắm giữ bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì của công ty nữa. Do vậy, "việc đáp ứng yêu cầu của tòa xin được cho lùi lại để chủ sở hữu bàn giao hồ sơ cho công ty thành viên".

Đối với hội đồng xét xử, bản khai này không được chấp nhận vì rằng đây là chuyện nội bộ của bị đơn, còn trên phương diện pháp luật, đến thời điểm hiện tại ông Dũng vẫn là người đại diện của công ty. Tuy nhiên, đối với nguyên đơn, bản khai này là hết sức "nhạy cảm". "Khi bị đơn còn không được nắm giữ con dấu thì liệu rằng họ lấy gì để có thể trả nợ theo như bản án của toà?", người đại diện theo pháp luật của Công ty Tiên phong - Vina trình bày.

Do vậy, phía nguyên đơn đề nghị tòa án cần yêu cầu chủ sở hữu của Công ty CKD là Công ty VMPCO phải liên đới chịu trách nhiệm về khoản nợ. Đề nghị này căn cứ vào điều lệ của Công ty CKD, theo đó chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của CKD trong phạm vi số vốn điều lệ.

Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu sẽ liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

Mẹ - con độc lập hay phụ thuộc?

Đáng chú ý, đề nghị này được chính giám đốc, người đại diện pháp luật của Cty CKD thời kỳ thực hiện các hợp đồng với Công ty Tiên phong - Vina đồng tình. Cựu giám đốc Công ty CKD Trương Xuân Quyền nay có mặt tại tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Theo các tài liệu đưa ra tại toà, dù về mặt danh nghĩa Công ty CKD hạch toán độc lập với chủ sở hữu - VMPCO nhưng về bản chất, mối quan hệ mẹ con này chẳng khác nào hạch toán phụ thuộc. Cụ thể, Chủ tịch Công ty CKD - nhân danh chủ sở hữu tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty - đã ký ban hành quy định về thẩm quyền phê duyệt hạn mức tài chính tại CKD.

Theo đó, kể cả những khoản tiếp khách, lễ tân khánh tiết vượt quá 5 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/tháng cũng phải được VMPCO phê duyệt chủ trương. Hàng tuần, CKD đều phải làm báo cáo tổng hợp kế hoạch tài chính gửi về cho chủ sở hữu. Báo cáo này sau khi được các phòng, ban chức năng thẩm định đều phải được chủ tịch HĐQT Công ty VMPCO thời kỳ đó là ông Trần Anh Tuấn, chồng bà Nguyệt Hường ký phê duyệt. Ông Tuấn đồng thời là Chủ tịch HĐQT ngân hàng MaritimeBank.

Tin mới lên