Thị trường

Điểm mặt các 'chúa chổm' nợ BHXH ngàn tỷ

Theo thống kê mới nhất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, số nợ đọng BHXH đã lên tới 14.000 tỷ đồng. Đây được coi là số nợ kỷ lục, khiến 193.000 người lao động bị ảnh hưởng.

Điểm mặt các 'chúa chổm' nợ BHXH ngàn tỷ

Công ty cổ phần xe khách Phương Trang là một điển hình nợ BHXH.

8 doanh nghiệp nợ nhiều nhất

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, mặc dù đã có nhiều biện pháp được triển khai nhưng tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng nợ BHXH diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo ông Ánh, nguyên nhân chính là do tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động.

Tính đến hết quý I/2017, có 8 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài như: Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (TP. HCM) 28,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương (TP. HCM) 20,9 tỷ đồng; Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội) 25,4 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) 19 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên - Vinaxuki (Hà Nội) 18,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng 47 (Bình Định) 15,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vietbo (Đồng Nai) 19,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Inox HB (Hưng Yên) 14,2 tỷ đồng.

Cũng theo ông Ánh, điều đáng lo ngại là trong số 14.000 tỷ đồng nợ đọng BHXH có khoảng 1.400 tỷ đồng tiền BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. "Đây là dạng nợ xấu hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị treo chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 193.000 người lao động", ông Ánh cho biết.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngành BHXH đã chuyển cho Liên đoàn lao động (LĐLĐ) địa phương 1.177 hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH. Giữa tháng 2/2017, 11 LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã nộp hồ sơ khởi kiện 77 doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, chỉ có 60 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý, còn 17 hồ sơ bị Toà án trả lại với những lý do như không thuộc thẩm quyền xử lý và không có giấy uỷ quyền của người lao động.

Theo đúng trình tự thì công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên. Thế nhưng, cái khó là công đoàn cơ sở ngại không dám khởi kiện người sử dụng lao động, ngại khởi kiện nhưng ngay cả việc ủy quyền cho công đoàn cấp trên họ cũng ngại.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, những người phụ trách liên đoàn cơ sở thường là kiêm nhiệm, cũng là người làm thuê và nhận tiền lương của doanh nghiệp thì việc để họ đứng ra để kiện chính doanh nghiệp của mình rất khó.

Theo ông Chính, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Cách nào gỡ nút thắt?

Theo các chuyên gia, để hạn chế và không để tình trạng "nhờn luật" trong lĩnh vực này, cần có các chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành động cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH. Thời gian qua, chế tài xử lý các hành vi trên nhìn chung còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; số vụ sai phạm, vi phạm về BHXH được đưa ra xử lý trước pháp luật còn chiếm tỷ lệ nhỏ.

Một vấn đề vướng mắc nữa trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH là bất cập giữa Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự… nên đến thời điểm hiện tại, chưa có vụ nào được đưa ra xét xử. Các vụ án được tiếp nhận chủ yếu là những doanh nghiệp bị khởi kiện chủ động nộp tiền để tránh liên quan pháp lý.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, cách giải quyết tốt nhất là cần phải sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, nên giao cho liên đoàn cấp trên là đối tượng được quyền thay mặt cho người lao động và liên đoàn cơ sở thực hiện việc khởi kiện. Đồng thời BHXH là cơ quan có chức năng hỗ trợ thông tin và cùng bám sát việc thu hồi nợ BHXH từ các doanh nghiệp. Mục đích để các quy định về công tác khởi kiện của công đoàn được đồng bộ, thống nhất.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đề nghị cần điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép công đoàn cấp trên trực tiếp với cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH (hiện nay đang quy định cho công đoàn cơ sở thực hiện - PV). Đồng thời, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của hệ thống cán bộ công đoàn đảm nhiệm công tác khởi kiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ thực hiện việc khởi kiện. Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, tập thể người lao động.

Trước đây, khi cơ quan BHXH là người khởi kiện đơn vị nợ BHXH để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thì việc khởi kiện thực hiện theo thủ tục vụ án dân sự. Khởi kiện là một trong những biện pháp thu hồi nợ hiệu quả của ngành BHXH.

Thực tế, BHXH Việt Nam đã khởi kiện 8.840 vụ tương ứng với số tiền doanh nghiệp nợ gần 6.000 tỷ đồng; tổng số vụ Tòa án đã xét xử: 3.986 vụ, tương ứng số tiền thu về Quỹ BHXH gần 980 tỷ đồng, chiếm 16,3% trên số nợ khởi kiện; riêng năm 2015 cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 3.500 vụ và đã thu về hơn 800 tỷ đồng tiền nợ BHXH). 

Hiện, theo Luật BHXH và Luật Công đoàn, thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra Toà. Tuy nhiên, việc khởi kiện đòi hỏi phải do công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc phải có giấy ủy quyền của người lao động. Đây là một khó khăn khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, ở nhiều nơi, còn có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm. Những nguyên nhân này mang tính hệ thống và là thực tế và không thể thay đổi một sớm một chiều.

Trong khi đó, Bộ Luật Hình sự năm 2015, Điều 216 quy định về tội trốn đóng BHXH cho người lao động, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng, phạt tù tới 7 năm.

Tuy nhiên, hiện Bộ luật chưa được thi hành nên chưa tạo được sự "răn đe" hiệu quả đối với nhiều chủ sử dụng lao động đang trốn đóng, nợ đọng BHXH.Vì vậy, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao nên có những điều chỉnh về chính sách, quy định của pháp luật sao cho hài hòa để có thể bảo vệ lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Tin mới lên