Thị trường

EVN báo lỗ gần nghìn tỷ, giá điện sẽ lại tăng?

(VNF) – EVN công bố thua lỗ nặng, cộng với dự thảo cho phép EVN được quyết tăng giá điện tới 20%/năm và nghị định về tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện, giá điện khó có thể kìm được đà tăng trong thời gian tới.

EVN báo lỗ gần nghìn tỷ, giá điện sẽ lại tăng?

EVN lỗ nặng, giá điện khó có thể kìm được đà tăng trong thời gian tới

Mặc dù ở thế độc quyền ngành điện nhưng mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại vừa báo lỗ sau thuế tới gần 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016. Sự thật có phần phi lý này có nguyên nhân không phải đến từ vấn đề bán điện của EVN, mà đến từ sự gia tăng đột ngột của chi phí tài chính.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của EVN đạt mức 130.685 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2015. EVN thậm chí còn giảm được tỷ lệ giá vốn trên doanh thu từ mức 88,1% nửa đầu năm 2015 xuống còn 86,2% nửa đầu năm 2016. Lợi nhuận gộp theo đó mà tăng tới 34%, đạt mức 18.005 tỷ đồng.

Song song với đó, chi phí bán hàng của EVN trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 16,6% so với cùng kỳ 2015, còn chi phí quản lý doanh nghiệp cũng chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ.

"Thủ phạm" gây ra thua lỗ khổng lồ của EVN là chi phí tài chính. 6 tháng đầu năm 2016, chi phí tài chính của EVN lên đến 15.459 tỷ đồng, gấp đôi con số 7.681 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến chi phí tài chính EVN tăng vọt không phải là do chi phí lãi vay, bởi chi phí lãi vay chỉ chiếm khoảng 45% chi phí tài chính của EVN và chi phí này "chỉ" tăng có 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều khả năng, lỗ do chênh lệch tỷ giá là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính EVN tăng vọt. Thực tế thì điều này đã được chính EVN đề cập trong thời gian trước đây, thêm vào đó, một số công ty con của EVN như EVN Genco 1, Genco2 và Genco 3 đều ghi nhận mức lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, EVN ghi nhận mức lỗ sau thuế của Công ty mẹ lên đến 929 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015, tập đoàn này lãi 450 tỷ đồng.

EVN lỗ nặng, giá điện sẽ lại tăng?

Giá điện khó kìm đà tăng khi EVN thua lỗ nặng, lại được trao quyền điều chỉnh giá điện tối đa 20%/năm theo một dự thảo mới đây

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013, EVN được trao quyền điều chỉnh giá điện tối đa 20%, biên độ dao động mỗi lần là 3-5%. Thời hạn điều chỉnh giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Dự thảo này vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Góp ý về dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc trao cho EVN thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20%/năm là khá cao so với biến động giá bình thường. Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc giao quyền tự quyết giá điện cho EVN là vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Nếu dự thảo này được thông qua, cộng với bằng chứng thua lỗ gần nghìn tỷ trong nửa năm đầu 2016 như đã công bố, EVN hoàn toàn có cái cớ hợp lý để tăng giá điện. Thậm chí, nếu khả năng rất nhỏ xảy ra là dự thảo không được thông qua, EVN vẫn có thể đề xuất tăng giá điện lên Bộ Công Thương vẫn với cái cớ hợp lý là đang thua lỗ nặng.

Hồi tháng 9/2015, trước tình hình lỗ do chênh lệch tỷ giá quá lớn, EVN đã đề xuất với Bộ Công Thương cho phép tính lỗ do chênh lệch tỷ giá vào giá điện.

Sắp tới, theo Nghị định 147/2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện sẽ tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh, càng hỗ trợ cho khả năng tăng giá điện trong thời gian tới.

Tin mới lên