Thị trường

Hàng không làm gì ứng phó tăng trưởng "nóng"?

Thống kê của Cục Hàng không VN, 6 tháng đầu năm 2016, thị trường hàng không tăng trưởng trên 30% với tổng lượng hành khách qua các CHK đạt gần 38 triệu khách.

Hàng không làm gì ứng phó tăng trưởng "nóng"?

Hàng không ngày càng được khách hàng tin dùng, lựa chọn vì giá hợp lý và thuận tiện về thời gian - Ảnh: Tạ Tôn

Chất lượng dịch vụ phải song hành với tăng trưởng

Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không VN) cho biết, bất chấp việc hạ tầng sân bay còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh, 6 tháng đầu năm 2016, thị trường hàng không vẫn có sự tăng trưởng cao.

"Thống kê cho thấy, thị trường hàng không Việt Nam ước đạt 25 triệu khách, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2015. Các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là VietJet Air và Jetstar Pacific với việc mở rộng mạng đường bay và tăng tần suất trên các đường bay nội địa nên thị trường hành khách nội địa có sự tăng trưởng mạnh, đạt 14 triệu khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015", ông Đăng nói và cho biết thêm, với sự tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không, tổng lượng khách thông qua các CHK Việt Nam đạt gần 38 triệu khách, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2015.

Liên quan đến vấn đề chất lượng dịch vụ hàng không, ông Đăng khẳng định, dù thị trường đang tăng trưởng "nóng" nhưng chất lượng dịch vụ hàng không không vì thế mà suy giảm, ngược lại vẫn được cải thiện đáng kể.

Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Trần Văn Thắng cho biết, ACV đã rất nỗ lực mở rộng, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị và rà soát, sắp xếp mặt bằng tại các CHK để đáp ứng nhu cầu khai thác, trong đó có việc đưa nhà ga hành khách mới với các công trình phụ trợ tại CHK Hải Phòng vào sử dụng; Xây dựng mới nhà để xe 5 tầng tại Tân Sơn Nhất đồng thời bố trí lại mặt bằng khu vực làm thủ tục hành khách, bổ sung máy soi chiếu an ninh tại nhà ga nội địa CHK đông đúc nhất cả nước này để tăng năng lực thông qua. Cùng đó, ACV đã tiếp tục cải tạo Nhà ga hành khách T1 Nội Bài, lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát ở khu vực nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay và các khu vực quan trọng khác…

Phía các hãng hàng không cũng có những thay đổi tích cực. "Theo khảo sát, lấy ý kiến hành khách theo các tiêu chí về các dịch vụ hành khách ở tất cả các khâu từ đặt chỗ, bán vé, thủ tục hành khách, phòng chờ, hành lý... Vietnam Airlines đạt 5,52 trên thang điểm 7 về mức độ hài lòng của hành khách, VietJet có 94,1% khách phản hồi sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ", ông Đăng cho biết.

Chậm, hủy chuyến vẫn ở mức 2 con số

Liên quan đến tỷ lệ chậm, huỷ chuyến, thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy 6 tháng đầu năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện hơn 128 nghìn chuyến bay. Trong đó, chuyến bay bị chậm chiếm 15,8%, tăng 0,8 điểm và chuyến bay bị hủy chiếm 0,6%, tăng 0,1 điểm so với cùng kỳ năm 2015.

Mặc dù vậy, theo phân tích của Cục Hàng không VN, so với cùng kỳ năm 2015, số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không nội địa tăng xấp xỉ 27 nghìn chuyến, tương ứng với 26,5% chuyến bay thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chỉ tăng thêm 1,3%. Việc số chuyến bay tăng mạnh nhưng tỷ lệ chậm chuyến tăng không nhiều cho thấy, các hãng hàng không Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã rất nỗ lực để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Về nguyên nhân chính gây chậm chuyến, phía Cục Hàng không VN cho biết, nguyên nhân chủ quan của hãng hàng không (kỹ thuật tàu bay) chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 10,3% tổng số chuyến bay chậm và gián tiếp gây nên 10,6% chuyến bay chậm của chặng kế tiếp. Tuy nhiên, so với năm 2015, nguyên nhân này đã giảm 0,2 điểm mặc dù số lượng chuyến bay khai thác tăng cao. Nguyên nhân do trang thiết bị, hạ tầng CHK đứng thứ 2, chiếm 6,2% tổng số chuyến bay muộn và tăng 0,9 điểm so cùng kỳ năm 2015. Trong nhóm nguyên nhân tàu bay về muộn, nguyên nhân hạn chế về điều hành bay tại CHK xuất phát chiếm tỷ trọng lớn, tới 11,3% trên tổng số chuyến bay chậm, tăng 3,5 điểm so với cùng kỳ năm 2015. Điều này có thể lý giải là do các tàu bay phải bay chờ tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vì mật độ cao.

Trước đó, theo ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong tháng 6/2016 khi áp dụng điều phối giờ cất hạ cánh (slot) cao điểm đến 42 chuyến/giờ, tần suất các chuyến bay phải bay chờ trên vùng trời tiếp cận tăng cao, có 203 lượt chuyến bay chờ hơn 30 phút, thậm chí có chuyến bay phải bay chờ hơn 60 phút.

"Nếu tính cả số chuyến bay chờ trên 15 phút, số lượng còn nhiều hơn", ông Tú nói thêm.

Theo quy định hiện hành, khi hủy chuyến bay hoặc chậm chuyến kéo dài (khởi hành muộn quá 4 giờ so với thời gian cất cánh dự kiến) thì hãng hàng không phải có trách nhiệm bồi thường cho hành khách. Mức đền bù cụ thể sẽ được căn cứ vào đường bay ngắn hay dài, bay nội địa hay bay quốc tế. Chẳng hạn, với chuyến bay nội địa, đường bay dưới 500 km sẽ đền bù 200.000 VND/khách; Với các chuyến bay quốc tế, đường bay dưới 1.000 km mức đền bù sẽ là 25 USD/khách.

Hãng hàng không được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường trong một số trường hợp hủy chuyến, chậm chuyến kéo dài vì các lý do như điều kiện thời tiết, nguy cơ an ninh, sự cố kỹ thuật... Hoặc chứng minh đã thông báo bằng lời nói, tin nhắn, thư điện tử cho hành khách về việc hủy chuyến bay, chuyến bay bị chậm kéo dài ít nhất 24 giờ trước giờ khởi hành dự kiến…

Thực tế, dù chưa có thống kê cụ thể, song số tiền mà các hãng hàng không phải chi trả để đền bù cho khách hàng vì nguyên nhân chậm, hủy chuyến không đáng kể do số chuyến bay chậm kéo dài trên 4 tiếng không quá nhiều. Đó là chưa kể đến đa phần nguyên nhân dẫn đến việc chậm, hủy chuyến đều thuộc trường hợp được miễn trừ trách nhiệm bồi thường.

 

Tin mới lên