Thị trường

HSBC: Niềm tin toàn thị trường xuống thấp nhất trong 4 năm qua

(VNF) – Chỉ số PMI toàn phần suy giảm, số lượng đơn hàng giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng việc làm thấp nhất từ tháng 7 năm ngoái, tất cả đã đẩy niềm tin của toàn thị trường rơi xuống mức thấp nhất trong vòng gần 4 năm - báo cáo của HSBC nhận định.

HSBC: Niềm tin toàn thị trường xuống thấp nhất trong 4 năm qua

Theo HSBC, nhiều khả năng chỉ số PMI sẽ giảm xuống trong những tháng tới.

Theo HSBC, mặc dù các điều kiện của khu vực sản xuất vẫn tiếp tục cải thiện trong tháng 5, song nhiều khả năng chỉ số PMI sẽ giảm xuống trong những tháng tới.

Với chỉ số PMI toàn phần đạt 51,6 (thấp hơn mức 54,1 của tháng trước), tốc độ tăng trưởng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016. Các chỉ số phụ cũng bớt khả quan, biểu hiện ở sản lượng và đơn hàng có tốc độ tăng trưởng chậm, đặc biệt đơn hàng xuất mới suy giảm nhiều.

Tương tự, mặc dù các công ty tiếp tục tuyển người tháng thứ 14 liên tiếp song tốc độ tăng trưởng công việc vẫn ở mức thấp nhất tính từ tháng 7/2016. Trong khi đó, hàng thành phẩm tồn kho vẫn tiếp tục gia tăng.

"Vì sản xuất là một trong những lĩnh vực đầu tàu của tăng trưởng kinh tế, bất kỳ sự giảm nhiệt nào đều có khả năng dẫn tới lòng tin bị suy giảm. Thực tế là trong tháng Năm, các nhà sản xuất đã rất lo ngại về cầu của khách hàng khiến cho niềm tin toàn thị trường rớt xuống mức thấp nhất trong vòng gần 4 năm", HSBC nhận định.

HSBC: Niềm tin toàn thị trường xuống thấp nhất trong 4 năm qua ảnh 1

Hoạt động xuất khẩu vẫn đạt được sự tăng trưởng, bất chấp những bất ổn hiện tại

Tuy vậy, hoạt động thương mại lại được HSBC đánh giá rất khả quan. Bằng chứng là trong một môi trường toàn cầu có nhiều bất ổn, xuất khẩu tháng 5 vẫn gia tăng ở mức 25% so với cùng kỳ năm.

Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh 28% (so với cùng kỳ năm) cao hơn rất nhiều so với mức 17,2% của tháng trước đó. Xuất khẩu của khu vực trong nước cũng tăng từ 9,7% lên 18,3%.

Tăng trưởng nhập khẩu có mức tăng mạnh 26,8% so với cùng kỳ năm (trong tháng Năm), đẩy cán cân thương mại vào tình trạng thâm hụt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thâm hụt thương mại đang ở mức chưa đáng lo vì Việt Nam đang phải nhập khẩu các mặt hàng như máy móc thiết bị, đồ điện tử, máy tính và linh kiện, thép, nhựa và hóa chất để sử dụng trong các quy trình sản xuất.

Hoạt động bán lẻ cũng thể hiện sự tăng trưởng tốt về doanh số với mức tăng trưởng đạt 13,1% trong tháng Năm. Tăng trưởng doanh số bán lẻ sau khi điều chỉnh theo lạm phát trong suốt tháng đạt 9,9% so cùng kỳ năm, cao hơn 0,7% so với tháng trước.

Việt Nam xếp thứ 6 về Chỉ số tăng trưởng bán lẻ toàn cầu (GRDI), tăng 5 bậc so với năm ngoái. Bước nhảy vọt này nhờ vào việc nới lỏng các rào cản đối với đầu tư trong thời gian gần đây.

Theo đánh giá của HSBC, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, với doanh thu hằng năm chỉ vào khoảng 90 tỷ USD. Thu nhập khả dụng không quá cao vì nền kinh tế vừa thoát khỏi tình trạng "thu nhập thấp". Nhưng điều đáng chú ý là Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như là một thị trường quan trọng đối với lĩnh vực bán lẻ.

"Triển vọng này nhờ vào lực lượng dân số trẻ chiếm phân nửa trong tổng dân số 92 triệu người và thu nhập trung bình hằng năm (2.200 USD/năm). Sự kết hợp giữa sự gia tăng nhanh chóng về thu nhập bình quân của người tiêu dùng Việt và sự nới lỏng các luật lệ đang tạo ra một môi trường hoàn hảo giúp lĩnh vực bán lẻ phát triển mạnh mẽ", báo cáo viết. 

Tin mới lên