Thị trường

Khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Hậu Giang 2016

(VNF) - Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Hậu Giang 2016 diễn ra từ 11-15/7 gồm 14 hoạt động chính và kết hợp mang chủ đề "ĐBSCL – Chủ động hội nhập và phát triển bền vững".

Khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Hậu Giang 2016

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai mạc MDEC - Hậu Giang 2016

Tối 11/7, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và UBND 13 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam bộ tổ chức khai mạc Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC - Hậu Giang 2016).

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ tới dự và phát biểu khai mạc.

Đây là lần thứ 8 Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức. Nội dung chính của diễn đàn là tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư với các địa phương trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho vùng ĐBSCL; tiếp thu tiến bộ KHKT để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống của nhân dân; tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Đồng thời, huy động các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ĐBSCL là một trong những đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông, thủy sản lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam khi chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, do đặc thù địa lý, ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Điều đó đã gây nên thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cũng như đời sống và sinh kế của nhân dân trong vùng.

Để ổn định và phát triển bền vững, các địa phương cần phải có các giải pháp thích ứng, thu hút đầu tư từ các nguồn lực của xã hội và đầu tư từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bày tỏ kỳ vọng đối với diễn đàn MDEC- Hậu Giang 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các địa phương sẽ tìm ra những cơ hội tốt để hợp tác; các tỉnh, thành phố cần có những chính sách, biện pháp hỗ trợ thiết thực nhà đầu tư, phù hợp với chính sách chung và điều kiện thực tế của địa phương; làm tốt cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam tới năm 2020.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, chiều ngày 11/7, tại TP Vị Thanh , UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề " Hậu Giang – Tiềm năng đầu tư và phát triển".

Hội nghị đã đánh giá Hậu Giang là địa phương có nhiều thuận lợi để thu hút đầu tư, do có hạ tầng kĩ thuật ngày càng hoàn thiện, có vùng nguyên liệu nông sản và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Ngoài ra, do giáp ranh với TP Cần Thơ nên các nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi hơn trong việc sử dụng các cơ sở hạ tầng, cũng như hưởng sinh hoạt, giao dịch tại thành phố này.

Theo thống kê, từ khi chia tách tỉnh đến nay, tỉnh Hậu Giang đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư hơn 43 ngàn tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và tính chuyên nghiệp cao, môi trường đầu tư khá tốt, biểu hiện ở chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm qua luôn được cải thiện.

Tin mới lên