Thị trường

Kinh doanh trung tâm thương mại, nhìn từ 'cái chết' của Parkson Viet Tower

(VNF) - Cái chết của Parkson Viet Tower không chỉ là hệ quả của một chiến lược kinh doanh thất bại mà còn là sự sụp đổ của một mô hình trung tâm thương mại không phù hợp tại Việt Nam.

Kinh doanh trung tâm thương mại, nhìn từ 'cái chết' của Parkson Viet Tower

Parkson Viet Tower sẽ đóng cửa từ 15/12 kéo theo sự biến mất của Parkson tại Hà Nội

Parkson: từ kẻ dẫn đầu tới người thua cuộc 

Năm 2005, Parkson – một đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad - công ty đầu tư của Tập đoàn Lion (Malaysia) – đã mở trung tâm thương mại đầu tiên của mình tại TP. HCM.

8 năm sau đó, từ một cơ sở ban đầu, con số trung tâm thương mại mà Parkson sở hữu, quản lý đã tăng lên thành 10. Trong đó có 5 trung tâm Parkson sở hữu là Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower, Landmark; 5 trung tâm thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon, C.T, Cantavil và Leman. Ngoài ra, Parkson còn có 2 trung tâm khác tại Hải Phòng và Đà Nẵng lần lượt là TD Plaza và Parkson Vĩnh Trung Plaza.

Là một trong những nhà bán lẻ ngoại đầu tiên vào Việt Nam, có thể nói Parkson hầu như không có đối thủ cạnh tranh và đã nhanh chóng bứt phá để vươn lên trở thành một tên tuổi hàng đầu. Liên tục trong nhiều năm, Parkson đã mở rộng hệ thống trung tâm thương mại của mình ra nhiều nơi.

Parkson từng là một trong những tên tuổi lớn nhất nhưng hiện tại thương hiệu này đang cho thấy sự đi xuống nhanh chóng

Parkson từng là một trong những tên tuổi lớn nhất nhưng hiện tại thương hiệu này đang cho thấy sự đi xuống nhanh chóng 

Thế nhưng đến năm 2014, làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn khi trong năm không có bất cứ trung tâm thương mại nào được đơn vị mở thêm.

Từ năm 2015 trở đi, khó khăn bắt đầu ập đến với thương hiêu này khi Parkson lần lượt đóng cửa hai trung tâm thương mại tại 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP. HCM.

Đầu tiên là Parkson Keangnam Landmark 72 nằm trên đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội đóng cửa ngay trong những ngày đầu năm 2015 với lý do "hoạt động kinh doanh chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra". Tiếp đến là Parkson Paragon ở Phú Mỹ Hưng - TP. HCM đóng cửa vào tháng 5/2016.

Và mới đây nhất, ngày 19/11, Công ty TNHH Parkson Hà Nội đã phát đi thông báo đóng cửa Parkson Viet Tower tại ngã tư Thái Hà - Tây Sơn, Hà Nội, bắt đầu từ 15/12/2016.

Sự kiện đóng cửa Parkson Viet Tower đã đăt dấu chấm cuối cùng cho sự hiện diện của Parkson tại Hà Nội cũng như phá vỡ một thị trường quan trọng của đơn vị này tại Việt Nam. Nó cũng cho thấy sự suy yếu của một đế chế trước làn sóng xâm nhập mạnh mẽ của các thương hiệu khác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cũng như sự trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước.

Thất bại của Parkson đã được báo trước

Sự suy yếu của Parkson không phải chỉ xuất phát từ thực tế đơn giản là sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị mà có nguồn gốc sâu xa từ chiến lược phát triển của thương hiệu này tại Việt Nam.

Cụ thể, khi mới đặt chân vào Việt Nam, với lợi thế của người mở đầu, Parkson đã lựa chọn vùng trung tâm để xây dựng trung tâm thương mại. Không vướng cạnh tranh, hoạt động kinh doanh của Parkson thời gian đó đã phát triển khá tốt.

Dần dần, Parkson mở rộng hoạt động ra vùng ngoại vi, nhưng khi đó, các thương hiệu khác đã xuất hiện, tính cạnh tranh của thị trường tăng lên, cộng thêm kinh tế đi xuống, nhu cầu mua sắm giảm, sự mở rộng vội vã đã khiến Parkson đứng không vững và kết quả là liên tiếp đóng cửa trung tâm.

Mô hình kinh doanh của Parkson tại Việt Nam mà cụ thể là Parkson Viet Tower là bản sao của mô hình Parkson trong khu vực, đó là chuyên kinh doanh một loại sản phẩm (thời trang) và chỉ tập trung vào nhóm khách hàng giàu có, thu nhập cao mà không hướng tới các khách hàng bình dân – vốn chiếm đa số.

Phương thức bán hàng của Parkson cũng khá đơn điệu, chỉ tập trung phục vụ cho việc mua sắm mà bỏ qua các nhu cầu khác của khách hàng.

Thực tế cho thấy, thói quen mua sắm tại Việt Nam rất khác so với các nơi khác trong khu vực. Người dân Việt Nam có thể cùng lúc vừa mua hàng hiệu vừa mua thực phẩm và đồ gia dụng đồng thời có thể vui chơi hay ăn uống tại cùng một trung tâm. Do đó, mô hình trung tâm thương mại phù hợp tại Viêt Nam phải là mô hình "một điểm đến" (one stop shop).

Mô hình kinh doanh không phù hợp trong khi chậm thay đổi là điểm yếu chí tử khiến Parkson sa sút

Mô hình kinh doanh không phù hợp trong khi chậm thay đổi là điểm yếu chí tử khiến Parkson sa sút

Các trung tâm thương mại hoạt động theo mô hình này đều gặt hái được thành công. Chẳng hạn như Pearl Plaza của  Tập đoàn SSG tại TP. HCM hay như AEON Mall Long Biên của Tập đoàn AEON tại Hà Nội, ngoài khu siêu thị còn có khu thức ăn, khu cà phê, khu trò chơi cùng các tiện ích như thể thao, rạp chiếu phim và cả địa điểm tổ chức sự kiện… do đó đã lôi kéo được lượng người đến đông đảo.

Trong khi đó, đối phó với tình trạng vắng khách, Parkson lại chỉ chăm chăm lo khuyến mãi – điều mà bất cứ trung tâm thương mại nào cũng làm được, vì thế sự sụt giảm doanh thu và đóng cửa là điều tất yếu phải xảy ra.

Bất hạnh không chỉ riêng Parkson

Thực tế cũng cho thấy, những trung tâm hoạt động theo mô hình Parkson đều rơi vào "thảm cảnh". Tại Hà Nội, Tràng Tiền Plaza dù đã đươc đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ rồi lại được doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn rót thêm 20 triệu USD để cải tạo nhưng hoạt động buôn bán vẫn cực kỳ khó khăn, thậm chí ngày càng vắng khách.

Tình trạng bết bát cũng diễn ra tương tự với Grand Plaza. Trung tâm này từng được kỳ vọng sẽ là điểm đến hàng đầu của người dân Thủ đô nhưng trong các năm qua đã phải mở ra đóng lại nhiều lần. Lần đóng cửa lâu nhất kéo dài tới 2 năm, mãi tới đầu năm 2016 mới được mở cửa trở lại.

Các trung tâm thương mại có mô hình hoạt động giống Parkson đều lâm vào thảm cảnh

Các trung tâm thương mại có mô hình hoạt động giống Parkson đều lâm vào thảm cảnh

Còn tại TP. HCM, Zen Plaza – trung tâm thời trang lớn đã phải cắt giảm diện tích thương mại để cho thuê văn phòng và kinh doanh ẩm thực; Thiên Sơn Plaza phải cơ cấu lại công năng sử dụng sau chưa đầy 3 năm đeo bám thời trang hay Pico Sài Gòn phải cắt đất cho Lotte kinh doanh siêu thị tổng hợp và ẩm thực…

Theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian sắp tới cuộc cạnh tranh trên lĩnh vực trung tâm thương mại sẽ diễn ra hết sức khốc liệt, không chỉ cạnh tranh giữa các thương hiệu với nhau mà còn với xu hướng mua bán trực tuyến đang ngày càng nở rộ.

Giảm chi phí quản lý, đa dạng hóa mặt hàng và tăng cường kết hợp với hoạt động trực tuyến là những hướng đi mà các chuyên gia khuyến cáo để giúp các đơn vị trụ vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tin mới lên