Thị trường

Làm giàu từ ngành cơ khí ở đất chín rồng

(VNF) - Đầu năm, VietnamFinance giới thiệu câu chuyện làm ăn của hai doanh nghiệp cơ khí ở vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Làm giàu từ ngành cơ khí ở đất chín rồng

Ông Tăng Hồng và xưởng cơ khí của DNTN cơ khí Sông Hậu

Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa. Tại TP.Cần Thơ, hầu hết các doanh nghiệp ngành cơ khí đã quyết tâm vượt khó, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa phát triển đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Ăn đong đơn hàng

Công ty cơ khí Thế Dân tọa lạc tại lô 38A3 khu công nghiệp Trà Nóc 1, TP. Cần Thơ, chuyên thiết kế, chế tạo, lắp đặt, bảo trì máy và dây chuyền máy công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản…

Khởi nghiệp vào năm 1987, sau thời gian 9 năm gắn bó với Khoa cơ khí Trường Đại học Cần Thơ, từ hai bàn tay trắng nhưng với niềm đam mê và được bạn bè giúp đỡ cùng sự hy sinh của người vợ trẻ luôn cận kề chia sẻ động viên, ông Lâm Thế Vân đã có được một cơ sở gia công cơ khí của riêng mình.

Bước đầu, thợ thuyền lèo tèo và doanh số doanh số chưa đầy 10 triệu đồng/năm. Nhờ mạnh dạn đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng qui trình kỹ thuật, cùng với việc vào năm 2000, doanh nghiệp cơ khí Thế Dân được chương trình Danida (Đan Mạch) chọn và tài trợ công nghệ thiết bị chế tạo nên công ty đã sản xuất được các loại phụ tùng thay thế, đặc biệt là các loại bánh răng chất lượng cao.

Cũng từ đó, đơn vị đã gia công và sản xuất hàng loạt các sản phẩm phục vụ sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản cho các doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Nhờ chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu, giá thành hạ nên sản phẩm của đơn vị  đã tạo được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Úc, Campuchia…. Còn ở trong nước, có cả những khách hàng khó tính như Công ty Khí Điện Đạm Cà Mau, Dầu Thực Vật Cái Lân, Công ty Gentraco và Phân bón & hóa chất Cần Thơ… đã  chọn cơ khí Thế Dân để đặt hàng sản xuất và gia công một số thiết bị, thay cho nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Lâm Thế Vân cho biết, năm 2012 khởi đầu sản xuất dây chuyền chế biến chả cá để thay thế thiết bị nhập khẩu, Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân đã được Công ty TNHH Một thành viên Kaneshiro Việt Nam của Hàn Quốc (Kaneshiro) chọn đặt làm dây chuyền chế biến chả cá hoạt động trong khu công nghiệp Trà Nóc II Cần Thơ, với tổng giá trị gần 4 tỷ đồng.

Hiện tại, trong giá trị sản phẩm, giá trị chế tạo máy móc thiết bị đạt 70%, giá trị gia công giảm còn 30%, và lương công nhân năm 2015 đạt mức bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải "ăn đong" với các đơn đặt hàng, do sản xuất kinh doanh kém chủ động, nên đội ngũ công nhân chỉ duy trì thường xuyên ở mức 20 người. Còn diện tích mặt bằng được thuê đến 5.000 m2 trong KCN Trà Nóc 1 để hoạt động từ năm 2005, đến nay Công ty mới sử dụng 1/5 diện tích để làm nhà xưởng, còn lại tạm thời làm "vườn cảnh"  chờ cơ hội để phát triển mở rộng.

Theo ông Lâm Thế Vân, cái khó của ngành cơ khí và cũng là cái khó từ chính doanh nghiệp của ông là chi phí đầu vào thường tăng, chính sách vốn khuyến khích đầu tư trang thiết bị và mở rộng sản xuất chưa sát thực tiễn, nên các doanh nghiệp hạn chế vay trung và dài hạn, khi cần chỉ vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động.

Ông Vân cho biết thêm, tăng trưởng và lợi nhuận của ngành cơ khí khoảng 10%, nhưng lãi suất vay (ngắn hạn) đã 9%/năm như hiện nay thì không hiệu quả. Xu hướng của năm 2016, đầu tư và chi phí cho sản xuất sẽ tiếp tục tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm, đang là bài toán khó cho ngành cơ khí.

Để phát triển công nghiệp hóa thành công, cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương phải cụ thể hóa, đồng thời phải nâng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất trong nước, thông qua liên kết sản xuất như làm doanh nghiệp vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

"Hy vọng, trong tương lai gần các doanh nghiệp cơ khí được làm vệ tinh (sản xuất công nghiệp phụ trợ) phục vụ cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đang xúc tiến đầu tư tại TP.Cần Thơ", ông Vân nói.

Dè dặt tăng trưởng

Khởi nghiệp từ thuở hàn vi, lênh đênh sửa máy trên dòng sông Hậu bằng bè nổi kết bằng thùng phuy từ những năm 1959-1960 của thế kỷ trước, nên ông Tăng Hồng có biệt danh là "Hai Nhà Bè". Dẫu thăng trầm, nhưng nhờ đam mê và quyết tâm "lên bờ", ông Tăng Hồng đã gây dựng nên Doanh nghiệp tư nhân cơ khí Sông Hậu vào những năm nền kinh tế bao cấp vẫn còn, dời đổi đôi lần rồi định vị tại số 25 Hai Bà Trưng, P. Tân An, Q. Ninh Kiều,TP. Cần Thơ.

Ngay sau khi ra đời, cơ sở của ông đã sản xuất hàng trăm loại sơ mi - xy lanh bằng phương pháp đúc ly tâm, dùng cho máy móc thiết bị khắp vùng Nam Bộ và xuất khẩu ra nước ngoài, vì thế Tăng Hồng được tôn vinh là "Vua Sơ mi-Xy lanh". Lợi thế đặc biệt của Cơ khí Sông Hậu là tất cả các sản phẩm không hề thua kém hàng ngoại nhập, lại được sử dụng để thay thế cho nhiều chủng loại máy móc của ngành kinh tế lẫn quốc phòng, nên đã được tặng thưởng nhiều Huy chương. Năm 1996, tại chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ, Cơ khí Sông Hậu đã được trao 8 Huy chương vàng.

Chia sẻ về chất lượng sản phẩm sản xuất ra, ông Tăng Hồng cho biết ngoài yếu tố thiết bị phải hiện đại, như máy tiện, mài CNC có xuất xứ từ Nhật Bản và Châu Âu, ứng dụng tin học để lập trình sản xuất, thì nguyên liệu luyện kim tạo phôi để tiện làm thành các trục máy móc thiết bị và sơ mi - xy lanh đủ các kích cỡ, phải được lựa cho từ việc thu gom xác các máy nổ bằng gang đã hư cũ, không còn sử dụng được đưa vào lò luyện nấu chảy nấu chảy bằng phương pháp hiện đại, rồi đúc ly tâm.

Qua nhiều công đoạn, có khi kéo dài cả tháng trời, mới cho ra những chiếc sơ mi - xy lanh cho máy nổ có công suất từ 10 đến 1.000 mã lực, độ chính xác gần như tuyệt đối, vì chỉ sai số bằng nửa sợi tóc đã phải loại bỏ.

"Chính từ những thứ bỏ đi, doanh nghiệp của đã tôi làm ra hơn 300 loại sơ mi - xy lanh chất lượng không thua kém sản phẩm nhập khẩu nhưng giá rẻ hơn khoảng 40%. Đặc biệt có những chủng loại thiết bị cần thay thế, nước ngoài họ không còn sản xuất nữa, nên Hai Nhà Bè trở thành địa chỉ để đặt hàng tạo việc làm đều đều cho công nhân", ông Tăng Hồng nói.

Từ năm 2012, công ty đã được thuê 3.500m2 đất xưởng trong khu công nghiệp Trà Nóc I, Cơ khí Sông Hậu. Từ đó đến nay, công ty đã tiếp tục đầu tư thêm máy móc thiết bị để để sản xuất các sản phẩm củng cố thêm chỗ đứng trên thị trường. Năm 2015, đơn vị đầu tư thêm 1 tỷ đồng trang bị máy tiện cỡ lớn CNC, góp phần giúp doanh nghiệp tăng trưởng tổng doanh thu trên 10% và thường xuyên đảm bảo việc làm cho 50 lao động, tăng 5 lao động so với 2014.

Trước xu thế hội nhập, ông Tăng Hồng cho rằng cơ hội sẽ mở ra với các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp cơ khí, nhưng việc đầu tư mở rộng vẫn phải theo bài "vết dầu loang", phải chắc chắn có đầu ra cho sản phẩm mới quyết định đầu tư, không dám mạo hiểm. Lý do là bởi cơ chế chính sách chưa có gì đặc biệt với ngành cơ khí nên doanh nghiệp muốn đầu tư hiện đại hơn nữa cũng không dám mạo hiểm.

"Hiện lãi suất ngân hàng vẫn ở mức 8 - 9%/năm, trong khi lợi nhuận/doanh thu chỉ khoảng cao nhất chỉ khảng 1,5%/tháng, chưa kể khấu hao tài sản và tăng chi lương tối thiểu thêm 12,5% từ ngày 1/1/2016 cho công nhân lao động, đang là bài toán nan giải cho doanh nghiệp", ông Hồng nói.                                                                                                            

Tin mới lên