Thị trường

Làm thế nào để phát triển kinh tế tư nhân?

Trong điều kiện tình hình khó khăn của ngân sách Nhà nước, cộng với việc Việt Nam sẽ không còn nhận vốn ưu đãi ODA kể từ tháng 7-2017 và xu hướng giảm của dòng vốn ngoại, vấn đề khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân đang là một thách thức "sống còn" với Việt Nam trong thời gian tới.

Làm thế nào để phát triển kinh tế tư nhân?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam tháng 3/2017

Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc cho người lao động.

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định "Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế".

Trong 12 năm trở lại đây (2003-2015) kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển đột phá như: Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10,2%; tỷ trọng đóng góp trong GDP duy trì ổn định ở mức 39-40%; thu hút 85% tổng số lao động trong nền kinh tế; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn hơn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế như: Vingroup, Sun Group, Novaland, Vietjet Air… cùng với đó là đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có những tỷ phú USD được xếp hạng trong danh sách của Forbes như ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh, từ 55.236 doanh nghiệp (năm 2002) lên 495.826 doanh nghiệp (năm 2015) với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh, riêng năm 2016 có hơn 110 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới.

Rào cản của phát triển kinh tế tư nhân

Ngân sách nhà nước trong vài năm trở lại đây trở nên khó khăn khi luôn phải đối mặt với tình trạng bội chi ngân sách, chỉ tính riêng năm 2016, bội chi ngân sách ở mức 64,98% GDP gần chạm ngưỡng 65% GDP Quốc hội quy định. Từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn nhận vốn ưu đãi ODA, cùng với xu hướng giảm của dòng vốn ngoại.

Vì vậy, vấn đề khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân sẽ là một thách thức "sống còn" với Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, đi cùng những bước phát triển đi lên, lâu nay khối doanh nghiệp tư nhân vẫn vướng phải rất nhiều những khó khăn "cố hữu" đến từ cơ chế, chính sách, pháp luật và môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong cuộc khảo sát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 được công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì có tới 66% trên tổng số 10.000 doanh nghiệp được khảo sát cho biết thường xuyên phải chi trả các khoản phí không chính thức và khoản phí này chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu trong khâu giải quyết thủ tục còn phổ biến, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bị đối xử thiếu bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp FDI.

Trong 2 năm qua, phong trào khởi nghiệp được khuyến khích mạnh mẽ, tạo được sự hứng khởi cho đội ngũ doanh nhân trẻ. Tuy nhiên, một trong những con số đáng giật mình là tính chung quý I/2017, cả nước có 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có tới 23.904 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhận xét về 2 con số này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng dù Chính phủ đang cam kết kiến tạo phát triển với các nghị quyết cải cách môi trường kinh doanh tuy nhiên Nghị quyết 35 vẫn phải cần hành động cụ thể; còn với Nghị quyết 19, thì ngay với một thay đổi nhỏ như bỏ thủ tục kiểm tra formaldehyde trên vải mà cũng phải mất đến 4-5 năm và cần nỗ lực từ nhiều phía mới đạt được. "Nếu còn chưa cải cách thị trường, chưa bảo vệ quyền tài sản của người dân thì khó đi vào thực chất của khởi nghiệp", ông Cung nói.

Làm gì để phát phát triển kinh tế tư nhân?

Với vai trò là một nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích: "Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề từ 2 phía, 1 là từ phía nội lực bản thân kinh tế tư nhân và 2 là từ phía cơ chế chính sách đặt ra cho kinh tế tư nhân".

Đứng từ phía quản lý nhà nước, ông Kiên cho rằng một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay chúng ta mắc phải là vẫn nặng tư duy theo nếp kinh tế kế hoạch hoá, tư duy bao cấp, thiếu tính thị trường.

"Chúng ta đặt nặng mục tiêu có bao nhiêu doanh nghiệp mà chưa tính tới sẽ có bao nhiêu tiền thuế nộp về cho ngân sách, mải chạy theo thành tích số lượng mà không để ý tới hiệu quả của số lượng ấy. Cùng với đó là tư duy "tiền của tư nhân" nhưng chúng ta lại muốn điều hành như "tiền từ ngân sách". Đây cũng là lý do khiến thời gian gần đây nhiều địa phương có xu hướng chuyển hộ kinh doanh cá thể sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên", ông Kiên nêu vấn đề.

Theo đó, ông Kiên nhận xét: Đáng ra chúng ta phải quan tâm tới việc làm sao để đổi mới hệ thống thuế để những hộ kinh doanh đóng thuế tốt hơn hay làm sao để giám sát đóng thuế đúng và đủ? Làm sao để đổi mới thế nào chế độ kế toán cho phù hợp với mô hình các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như hiện nay trong khi Luật Kế toán hiện hành quy định một công ty phải có kế toán và thủ quỹ riêng biệt, nhưng đa phần các hộ kinh doanh hiện nay chỉ có một bà chủ vừa là thủ quỹ, vừa là kế toán.

"Đó là việc chúng ta phải làm chứ không phải đặt vấn đề đạt mục tiêu 1 triệu hay 3 triệu doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Kiên nhấn mạnh. 

Vậy nên đặt mục tiêu như nào để kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng? Theo ông Kiên, kinh tế tư nhân như hiện nay mới đóng góp gần 40% cho GDP, trong đó khối FDI chiếm tới 30%, như vậy là chưa đủ để gọi là "động lực" của nền kinh tế. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần đặt mục tiêu cao hơn, có thể là đến năm 2020 kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 45% GDP, trong đó doanh nghiệp tư nhân nội địa chiếm 70%, doanh nghiệp nhà nước chiếm 10%, còn lại 20% là doanh nghiệp FDI. 

Đề xuất mô hình khả thi để có thể triển khai phương án trên, ông Kiên cho rằng cần đổi mới công đoàn, thành lập công đoàn theo địa phương, phường xã, và công đoàn tại phường xã ấy phải có trách nhiệm với người lao động trên địa bàn bằng các biện pháp luật pháp. Nếu công ty nào, ông chủ nào không đảm bảo quyền lợi được cho người lao động, công đoàn cấp này có thể đặt vấn đề thay mặt cho người lao động kiện công ty, doanh nghiệp đó ra hầu tòa.

Vì vậy, theo ông Kiên, để làm được những việc trên đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả bộ máy, để có thể đặt mục tiêu của phát triển kinh tế tư nhân và nâng cao tỉ trọng đóng góp trong GDP của khối này lêntới 60 hoặc 70% trong 10 đến 15 năm tới. "Và với việc đặt mục tiêu cụ thể như vậy, chúng ta sẽ có những định hướng rõ ràng đi cùng để phát triển khối kinh tế tư nhân trong nước hiện nay", ông Kiên chia sẻ.

Tin mới lên