Thị trường

Nhà băng nào sẽ 'dũng cảm' cho Hoa Sen vay tiền làm thép Cà Ná?

(VNF) - Vốn tự có không quá lớn, phần lớn nguồn tiền đầu tư phải đi vay. Rủi ro không phải là nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp không chủ động và kiểm soát được dòng tiền. Với những dự án tham vọng tỷ đô, nhà băng nào sẽ dũng cảm rót tiền cho đại gia Lê Phước Vũ thực hiện siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná 10,6 tỷ USD?

Nhà băng nào sẽ 'dũng cảm' cho Hoa Sen vay tiền làm thép Cà Ná?

Siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná được xem là dự án thép lớn nhất Việt Nam từ trước tới bây giờ. Với số vốn đầu tư dự kiến 10,6 tỷ USD (khoảng 237.000 tỷ đồng), Hoa Sen - Cà Ná vượt mặt Formosa – dự án được rót khoảng 5 tỷ USD.

Dự án theo như báo cáo của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, sẽ được đầu tư thành 2 giai đoạn với 4 phân kỳ. Trong đó, phân kỳ đầu giai đoạn I của dự án sẽ tiêu tốn khoảng 500 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng). Để vận hành dự án, Hoa Sen còn cần thêm 2.700 tỷ đồng vốn lưu động. Như vậy, trước mắt, Tập đoàn Hoa Sen cần khoảng 14.000 tỷ đồng.

Kế hoạch về vốn mà Tập đoàn này đưa ra là vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tương ứng 2.500 tỷ đồng. 11.350 tỷ đồng còn lại sẽ là vốn vay ngắn hạn và trung hạn. 

Với vốn góp chủ sở hữu chỉ là 1.965 tỷ đồng, tổng tài sản 9.523 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối 1.054 tỷ đồng, rõ ràng Tập đoàn Hoa Sen không thể tự thân chuẩn bị số tiền hơn nửa tỷ USD này. Và vay vốn là phương án mà Hoa Sen đưa ra tại đại hội cổ đông bất thường. Hiện tại, theo Hoa Sen, đã có ngân hàng đảm bảo sẽ cung cấp vốn cho siêu dự án này.

Tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra ngày 6/9, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen khẳng định đã ký thoả thuận cam kết để ngân hàng Vietinbank rót tiếp 500 triệu USD (hơn 11.100 tỷ đồng) cho Hoa Sen.

Tính đến ngày 30/06/2016, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen là 5.834 tỷ đồng, trong đó tính riêng các khoản vay nợ tài chính lên tới 4.638 tỷ đồng - chiếm tới 80% tổng nợ vay và chiếm gần 50% nguồn vốn.

Trong danh sách các nhà băng đang là chủ nợ của Tập đoàn Hoa Sen, không thể không kể đến sự góp mặt của của nhiều ông lớn trong đó có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, ACB, Eximbank, MBBank, VPBank, Bản Việt, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); các ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, UOB,…

Hầu hết các khoản vay đều có tài sản bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị hay hàng tồn kho, thậm chí Vietcombank, Agribank hay VPBank… còn cho Tập đoàn vay tín chấp hàng trăm tỷ đồng trong ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động.

Trong đó, ngân hàng Vietinbank là "chủ nợ" lớn nhất của Hoa Sen khi cho Tập đoàn này vay hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm tới 48% tổng vay nợ, thuê tài chính ngắn hạn và vay, nợ thuê tài chính dài hạn. Chỉ riêng khoản nợ tại ngân hàng này đã lớn hơn vốn góp chủ sở hữu của Tập đoàn Hoa Sen.

Như vậy, với hơn 11.300 tỷ đồng, số tiền mà Vietinbank cho Tập đoàn Hoa Sen vay sẽ vượt xa tổng tài sản của Tập đoàn. Muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp, Hoa Sen lấy gì làm tài sản thế chấp để vay số tiền lên đến hơn 11.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1?

Hoa Sen đã đầu tư nhiều dự án lớn nhưng dự án 10,6 tỷ USD cho Hoa Sen - Cà Ná được xem là dự án lớn nhất từ trước tới nay. Không những vậy, Tập đoàn này còn tham vọng đầu tư thêm các dự án ghép khác như Dự án Khu công nghiệp Cà Ná, quy mô 1.500 ha, vốn đầu tư 400 triệu USD; Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen - Cà Ná, vốn đầu tư 804 triệu USD. Dự kiến trong tương lai, Tập đoàn Hoa Sen sẽ triển khai một số dự án sản xuất năng lượng tái tạo và xi măng nhằm tái sử dụng chất thải từ ngành công nghiệp thép với số vốn đầu tư chưa được công bố, nhưng chắc không phải là một con số nhỏ.

Trong khi đó, cuối tháng 8, Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương để Hoa Sen đầu tư Khu nghỉ dưỡng Mũi Sừng Trâu. Tháng 5/2016, Tập đoàn Hoa Sen đã khởi công xây dựng dự án Hoa Sen Yên Bái - Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Tháng 4/2016, Hoa Sen đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy ống nhựa Hoa Sen Bình Định với tổng vốn đầu tư dự kiến 433 tỷ đồng. Sau khi động thổ Nhà máy Thép Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định với tổng vốn đầu tư dự toán 2.000 tỷ đồng vào tháng 1/2016, đến tháng 3/2016, Hoa Sen lại khởi công xây dựng Nhà máy Hoa Sen Hà Nam, vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Dựa trên tình hình tài chính của Tập đoàn Hoa Sen, việc sử dụng vốn vay để đầu tư hàng loạt các dự án kể trên chắc chắn sẽ tác động đến gánh nặng nợ vay của doanh nghiệp này. Đặc biệt khi danh sách các nhà băng chủ nợ của Tập đoàn dài dằng dặc cùng những món nợ vay từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng.

Thực tế, Hoa Sen cho biết sẽ không phát hành cổ phiếu mới trong thời gian tới cho nên kênh thu hút vốn từ thị trường chứng khoán không khả thi. Nguồn vốn tài trợ cho các dự án này sẽ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng.

Như vậy, giả định trong vòng 2 năm tới, khi mà Tập đoàn Hoa Sen không có ý định tăng vốn chủ sở hữu của mình, việc đầu tư siêu dự án Khu liên hợp gang thép Cà Ná – Ninh Thuận sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ vay lên mức cao, dư nợ vay có thể gấp nhiều lần vốn, chưa tính các khoản nợ phải trả khác.

 

Tin mới lên