Thị trường

Nhà máy đạm 12.000 tỷ thua lỗ 2.000 tỷ từng nhiều lần 'xin' gỡ khó

Được đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, thua lỗ trên 2.000 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động, hiện nhà máy này đã tạm ngừng sản xuất. Trước đó, lãnh đạo nhà máy Đạm Ninh Bình từng gửi văn bản kêu cứu Bộ Công Thương, Tài chính.

Nhà máy đạm 12.000 tỷ thua lỗ 2.000 tỷ từng nhiều lần 'xin' gỡ khó

Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh TL

Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm được khởi công xây dựng vào năm 2008 và vận hành thương mại từ 15/12/2012.
Sau khi đàm phán, Vinachem đã quyết định chọn vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD với Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer làm tổng thầu thực hiện.

Mặc dù nhà máy sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới được giới thiệu như công nghệ khí hoá của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linder (Đức), công nghệ tổng hợp amoniac của Topsoe (Đan Mạch), công nghệ phân ly không khí của Air Liquide (Pháp)… nhưng các thiết bị lại được phía nhà thầu Trung Quốc cung ứng.

Báo cáo của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cho biết, ngay trong năm vận hành thương mại đầu tiên, năm 2012, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng, tiếp đến năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 500 tỷ đồng và năm 2015 vừa qua lỗ trên 370 tỷ đồng.

Theo lý giải của Vinachem, nguyên nhân khiến nhà máy thua lỗ vì chi phí sản xuất quá cao, giá urê trên thị trường liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy Đạm Ninh Bình khó khăn.

Đồng thời cũng gián tiếp chỉ ra rằng, lý do khiến chi phí sản xuất cao do dây chuyền, máy móc thiết bị của nhà máy chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với "chất lượng ở mức trung bình, thường xảy ra sự cố".

Hiện, nhà máy đã tạm ngừng sản xuất, với lượng tồn kho lớn và có khoảng 400 trong tổng số 1.000 công nhân cũng tạm thời phải nghỉ việc.

Trước tình hình khó khăn này, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương kiến nghị một số giải pháp điều hành theo hướng tháo gỡ khó khăn.

Trước đó, năm 2014, Vinachem cũng từng đưa ra hàng loạt kiến nghị gửi Bộ Công Thương và Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình.

Cụ thể, đối với sản xuất, Vinachem cho biết, tập đoàn là hộ mua than với số lượng lớn, ổn định từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam TKV trong khi thuế xuất khẩu than được áp dụng ở mức 10% và giá urê trên thị trường liên tục giảm đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chỉ đạo TKV thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giá bán than cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước, trước mắt xem xét, điều chỉnh giá bán than cho hộ sản xuất phân bón trong nước bằng 90% so với giá xuất khẩu.

Mỗi khi điều chỉnh giá than yêu cầu TKV công khai, minh bạch giá than xuất khẩu để có cơ sở đối chiếu với giá than bán cho hộ sản xuất phân bón trong nước.

"Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định không xuất khẩu than cám 3 và cám 4 dưới dạng nguyên liệu thô và không sử dụng loại than này làm nhiên liệu trong sản xuất điện, xi măng… mà đưa vào dự trữ để sử dụng lâu dài trong ngày công nghiệp chế biến sâu", Vinachem cho biết.

Đồng thời, đề nghị 2 Bộ trên báo cáo Thủ tướng xem xét, giải quyết theo cơ chế giá bằng với giá bán than cám 5, cám 6 TKV bán cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.

Đối với hoạt động kinh doanh, Vinachem cũng đề nghị tạm dừng nhập khẩu phân bón biên mậu, nhập khẩu tiểu ngạch; tăng thuế suất thuế nhập khẩu phân bón urê lên mức 7%...

Tin mới lên