Thị trường

Nhập siêu 200 triệu USD trong tháng 1/2016

(VNF) - Theo Tổng cục Hải quan, tháng 1/2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 27,8 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 200 triệu USD.

Nhập siêu 200 triệu USD trong tháng 1/2016

Nhập siêu 200 triệu USD trong tháng 1/2016

Tháng 1/2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước ta ước tính đạt 13,8 tỷ USD (tăng 0,5% so với tháng trước), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,1 tỷ USD (giảm 8,7%); khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 9,7 tỷ USD (tăng 4,8%).

So với tháng 12/2015, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp trong nước tăng trưởng khá, phải kể đến như: điện thoại và linh kiện đạt 2,5 tỷ USD (tăng 44,7%); điện tử máy tính và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD (tăng 7,1%); bên cạnh đó, cũng có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như: gỗ và sản phẩm gỗ giảm 20,5%; dệt may giảm 9,4%; giày dép giảm 5,2%; dầu thô giảm 40%.

So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2016 tăng 2,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt mức cùng kỳ; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 3,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái như: gạo tăng 62,2%; thủy sản tăng 10,3%; điện tử máy tính và linh kiện tăng 10,1%; giày dép tăng 7,5%; dệt may tăng 5,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,4%; điện thoại và linh kiện tăng 2,4%.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong tháng qua với kim ngạch ước tính đạt 3,1 tỷ USD (tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015); tiếp đến là EU đạt 2,7 tỷ USD (tăng 1,8%); Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD (tăng 24,3%); ASEAN đạt 1,5 tỷ USD (giảm 12,4%); Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD (tăng 11,5%); Hàn Quốc đạt 750 triệu USD (tăng 12,8%).

Về tình hình nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2016 ước đạt 14 tỷ USD (giảm 2,1% so với tháng trước), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,9 tỷ USD (giảm 11,9%); khu vực FDI đạt 8,1 tỷ USD (tăng 6,4%). Nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với tháng trước như: ôtô giảm 38,2%; xăng dầu giảm 32%; phân bón giảm 22,9%; sắt thép giảm 20,9%.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2016 giảm 0,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 0,1%; khu vực FDI giảm 1,2%. Nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 80,8%; xăng dầu giảm 17,6%; sắt thép giảm 16,3%; sợi dệt giảm 13,3%; xe máy và linh kiện, phụ tùng giảm 8,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 4,1%.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 4,4 tỷ USD (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2015); Hàn Quốc đạt 2,2 tỷ USD (tăng 1,8%); ASEAN đạt 2 tỷ USD (tăng 2,8%); Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD (tăng 1,1%); EU đạt 978,5 triệu USD (giảm 22,8%); Mỹ đạt 620 triệu USD (tăng 4,6%).

Trong tháng 1/2016, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 200 triệu USD (tương đương 1,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu). Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD thì khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,6 tỷ USD.

 

Tin mới lên