Thị trường

PVN, TKV, Vinatex đồng loạt kêu khó với Thủ tướng

(VNF) – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đồng loạt kêu khó khăn với Thủ tướng tại Hội nghị Trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công thương, tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

PVN, TKV, Vinatex đồng loạt kêu khó với Thủ tướng

Lãnh đạo 3 tập đoàn: PVN, TKV, Vinatex đồng loạt kêu khó với Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương

3 tập đoàn đồng loạt kêu khó

Đăng đàn đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Nguyễn Quốc Khánh nêu nhận định 2016 là năm cực kỳ khó khăn với ngành dầu khí khi giá dầu giảm sâu liên tục từ quý IV/2014 cho đến hết năm qua.

"Cả năm 2016, giá dầu chỉ đạt trung bình 45 USD/thùng, thấp nhất từ trước đến nay", ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Quốc Khánh

Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Quốc Khánh

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 và kế hoạch năm 2017 của PVN vừa mới công bố, trong năm 2016, tổng khai thác dầu trong và ngoài nước của Tập đoàn đạt 17,23 triệu tấn, vượt 1,19 triệu tấn so với kế hoạch năm.

Sản xuất xăng dầu cũng đạt 6,87 triệu tấn, vượt 1,18 triệu tấn; khai thác khí đạt 10,61 tỷ m3, vượt 1,0 tỷ m3 so với kế hoạch năm.

PVN cũng cung cấp cho lưới điện quốc gia 21,3 tỷ KWh (vượt 860 triệu KWh), sản xuất phân đạm đạt 1,62 triệu tấn (vượt 40.000 tấn). Giá trị sản xuất công nghiệp, theo giá cố định đạt 490 nghìn tỷ đồng, vượt 12% quy hoạch năm...

Tuy nhiên, doanh thu hợp nhất của PVN chỉ đạt 234.000 tỷ đồng, giảm 20% so với con số 293.439 tỷ đồng của năm 2015.

Nộp ngân sách của PVN chỉ hơn 90.200 tỷ đồng, giảm khoảng trên 20.000 tỷ đồng so với năm ngoái.

Cùng với PVN, điệp khúc khó khăn cũng được Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn nêu lên tại Hội nghị. Ông Chuẩn cho biết, 2016 là năm thứ 4 liên tiếp TKV gặp khó khăn do sự sụt giảm nhu cầu than, khoáng sản của thị trường.

"Giá Alumin tháng 9 vừa qua đã sụt từ 300 xuống chỉ còn 200 USD/tấn, còn giá than so với 2011 thì sụt tới một nửa, có thể nói sức ép lên ngành than rất lớn", ông Chuẩn nói.

PVN, TKV, Vinatex đồng loạt kêu khó khăn với Thủ tướng ảnh 1

Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn

Theo ông Chuẩn, doanh thu năm 2016 của TKV đã sụt giảm 5%, sản lượng khai thác than nguyên khai giảm 4 triệu tấn, đạt 34,5 triệu tấn, do thị trường không có nhu cầu.

Dù đạt được một số thành tựu về sản xuất, giảm giá thành than và tái cơ cấu, tuy nhiên, người đứng đầu TKV tỏ ra khá "hoang mang" về tương lai:

"Bước vào 2017, than khoáng sản sẽ có điểm sáng nhưng… không sáng lắm. Giá than đã ấm hơn từ 2 quý qua, nhưng cuối 2017 thì cũng ngang với quý IV/2016. Mục tiêu của tập đoàn là tăng từ 5 đến 7 đến 10% so với 2016", ông Chuẩn cho biết.

Cũng chung gam màu trong báo cáo tổng kết, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường nêu nhận định năm qua là năm "hết sức khó khăn" với ngành dệt may khi tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,2% - thấp nhất kể từ năm 2008.

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2016  cũng chỉ đạt 28,3 tỷ USD, thấp hơn 1,7 tỷ USD so với kế hoạch đầu năm. Tuy nhiên, điều trớ trêu là Việt Nam lại trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng dệt may cao nhất trong số 7 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. "Điều này khiến cho các quốc gia khác đều quay sang xem Việt Nam là đối thủ cạnh tranh và tất yếu là họ sẽ lấy các đặc điểm kinh doanh, đơn chào hàng để tấn công chúng ta trong thời gian tới", ông Trường cho biết.

PVN, TKV, Vinatex đồng loạt kêu khó khăn với Thủ tướng ảnh 2

Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường

Cũng theo ông Trường, một trong những bất lợi lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là thị trường nội địa nhỏ bé, sức mua khá yếu và cạnh tranh hết sức gay gắt.

"Khu vực nông thôn cạnh tranh với hàng hóa nhâp theo đường tiểu ngạch, hàng hóa không rõ nguồn gốc, khu vực đô thị cạnh tranh với hàng hóa ASEAN.

"Mặt khác thị trường nội địa chỉ có quy mô 4,5 tỷ USD cho dệt may trong khi năng lực sản xuất toàn ngành đã lên tới 35 tỷ USD. Tức là thị trường nội địa không có khả năng điều hòa sản xuất khi xuất khẩu gặp khó khăn. Điều này rất trái ngược với các nước như Trung Quốc (xuất khẩu 260 tỷ thì nội địa 270 tỷ), Ấn Độ (thị trường nội địa gấp 3 lần xuất khẩu), Indonesia (thị trường nội địa lớn gấp 2 lần xuất khẩu)". Nói cách khác, dệt may Việt Nam gần như không có "cửa lùi".

Do đó, ông Trường cho biết, dù rất quan tâm đến thị trường nội địa song Vinatex vẫn phải đặt trọng tâm 90% hoạt động sản xuất kinh doanh vào xuất khẩu.

Nhận định về tình hình năm tới, ông Trường cũng tỏ ra không mấy lạc quan khi cho rằng 2017 không có gì sáng sủa hơn so với năm 2016, bởi hiệp định thương mại lớn nhất với EU vẫn còn chưa có hiệu lực.

TKV xin Chính phủ ưu tiên sử dụng than sản xuất trong nước

Dù cả 3 tập đoàn đều gặp khó khăn, tuy nhiên, PVN và Vinatex không xin Chính phủ hỗ trợ, ngược lại, TKV xin tới bốn nội dung.

Đầu tiên, TKV mong muốn Chính phủ điều hành cung cầu thị trường theo hướng ưu tiên dùng than được sản xuất trong nước theo thị trường.

"Hiện nay năng lực của ngành than có thể sản xuất 48 triệu tấn than nguyên khai, tương đương 43 – 44 triệu tấn than sạch. Với nhu cầu trong nước có 3 nguồn: á bitum, bitum và than anthracite, nếu dùng anthracite thì ưu tiên dùng than trong nước, còn lại không dùng cho phép xuất khẩu để giữ được ngành", chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn nói.

PVN, TKV, Vinatex đồng loạt kêu khó khăn với Thủ tướng ảnh 4

TKV xin Chính phủ chỉ đạo cung cầu thị trường than theo hướng ưu tiên sử dụng than sản xuất trong nước

Bên cạnh đó, ông Chuẩn cũng xin Chính phủ sớm phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành than 2016 – 2020 theo Quyết định 58, phê duyệt điều lệ ngành. Tiếp đến, TKV xin cơ chế chính sách cho hòn than để có sức cạnh tranh trên thị trường, khu vực.

Ngoài ra, ông Chuẩn cũng không quên nhắc lại đề nghị Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù cho ngành than.

Tin mới lên