Thị trường

Sắp diễn ra Hội thảo về xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu

(VNF) - Hội thảo "Xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu doanh nghiệp" sẽ được tổ chức ngày mai (4/7) tại khách sạn Sheraton Hà Nội.

Sắp diễn ra Hội thảo về xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu

Sự kiện quan trọng này được kỳ vọng sẽ tạo diễn đàn trao đổi giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị tư vấn và cả chuyên gia thương hiệu hàng đầu trong, ngoài nước; từ đó tìm ra nguyên nhân hạn chế trong việc định giá giá trị thương hiệu, đồng thời gợi ý một số phương pháp xây dựng, phát triển thương hiệu.

Đây là sự kiện được Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) và Bộ Khoa học Công nghệ (Cục Sở hữu Trí tuệ) cùng phối hợp tổ chức. Đơn vị thực hiện là Tạp chí Tài chính doanh nghiệp (Cục TCDN, Bộ Tài chính). VietnamFinance là một trong số các đối tác bảo trợ truyền thông cho sự kiện này.

Các đơn vị tài trợ cho Hội thảo gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank; Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng – Vietracimex và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam. 

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao, tạo được uy tín trên trường quốc tế như Vietinbank (top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Brand Finance), Viettel (giá trị thương hiệu lớn hơn cả Singtel theo đánh giá của Brand Finance)... 

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi "xuất ngoại" vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế. Và đương nhiên, các doanh nghiệp Việt xuất ngoại phải mượn danh này sẽ thiệt thòi đủ đường.  
Để khắc phục thực trạng trên, một số doanh nghiệp đã bạo chi để xây dựng thương hiệu, tạo tên tuổi. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất dễ chệch chuẩn, dễ rơi vào cảnh "ném tiền qua cửa sổ". Một số doanh nghiệp đầu tư nhiều song không xác định được giá trị thương hiệu, do đây là tài sản vô hình, khó cân đo đong đếm. 

Ngay cả những doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa thuê các nhà tư vấn chuyên nghiệp song cũng đưa ra các giá trị doanh nghiệp nói chung và giá trị thương hiệu nói riêng rất khác nhau. 

Điều này khiến Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập... 

Kể từ Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đến Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đều xác định "lợi thế kinh doanh" bao gồm cả "giá trị thương hiệu". 

Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, "Giá trị thương hiệu" hay "Nhãn hiệu hàng hóa" được coi là tài sản cố định vô hình. 
Như vậy, giữa các văn bản vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá. Hơn nữa, các quy định trên chỉ có ý nghĩa đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Bên cạnh đó, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta đến nay vẫn còn là... một khoảng trống bỏ ngỏ.

Đây sẽ là những vấn đề dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại hội thảo. VietnamFinance sẽ liên tục phản ánh các nội dung của hội thảo quan trọng này đến bạn đọc.

Tin mới lên