Thị trường

Sẽ dành 1.720 tỷ đồng phát triển công nghiệp hỗ trợ

(VNF) - Bộ Công Thương vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét dự thảo đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2025, với kinh phí dự kiến 1.720 tỷ đồng.

Sẽ dành 1.720 tỷ đồng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Sẽ dành 1.720 tỷ đồng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ chủ trì thực hiện đề án, với sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự kiến, kinh phí thực hiện chương trình là 1.720 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 1.485 tỷ đồng, các nguồn vốn khác 235 tỷ đồng. 

Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2025 do Bộ Công thương đề xuất sẽ bao gồm 6 chương trình:

Chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý quốc tế trong việc quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Theo đó, sẽ có 2.000 doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý quốc tế. Kinh phí dự kiến là 300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 255 tỷ đồng, từ nguồn khác 45 tỷ đồng.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia và các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ khác ở trong và ngoài nước. 

Dự kiến, sẽ có 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chương trình, 300 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Kinh phí cho chương trình là 115 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 100 tỷ đồng, từ nguồn khác 15 tỷ đồng.

Chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Dự kiến, kinh phí cho chương trình là 115 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 100 tỷ đồng, từ nguồn khác 15 tỷ đồng.

Chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa nhà trường - cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Theo đó, kinh phí thực hiện chương trình là 220 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 190 tỷ đồng, từ nguồn khác 30 tỷ đồng.

Chương trình hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng và vật liệu. Sẽ có 1.000 doanh nghiệp được hỗ trợ trong chương trình này; với kinh phí dự kiến 890 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 760 tỷ đồng, từ nguồn khác 130 tỷ đồng.

Chương trình xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước trên trang thông tin điện tử chuyên về công nghiệp hỗ trợ; với kinh phí 80 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước.

Tin mới lên