Thị trường

Tôn Trung Quốc giá rẻ lũng đoạn thị trường Việt Nam thế nào?

(VNF) - Tình trạng tôn gian, kém chất lượng tràn lan trên thị trường khiến doanh nghiệp vẫn "loay hoay" chống đỡ, trong khi người tiêu dùng bị "móc túi" mà không hề hay biết.

Tôn Trung Quốc giá rẻ lũng đoạn thị trường Việt Nam thế nào?

Tình trạng tôn giả, tôn kém chất lượng khiến khá nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao khi mất thị phần.

Tại hội thảo "Tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng nhập khẩu, hậu quả và giải pháp" diễn ra sáng ngày 29/11, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho rằng tình trạng tôn giả, tôn nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng".

Do những đặc tính ưu việt, tôn thép mạ, đặc biệt là tôn sơn phủ màu ngày càng được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi, làm mái nhà, mái che, ngay cả ở khu vực thành thị vốn là nơi mặt hàng ngói truyền thống chiếm lĩnh.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 10/2015, mức tiêu thụ tại thị trường tôn đạt 212.000 tấn, tăng 22,4% so với tháng trước và tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2014. Có thể thấy thị trường tôn mạ màu tại Việt Nam là một thị trường béo bở cho các doanh nghiệp kinh doanh thép.

Tuy nhiên, do đặc điểm của tôn mạ và tôn sơn phủ màu là khó xác định chất lượng nếu quan sát bằng mắt thường và chỉ có thiết bị chuyên dụng mới có thể xác định chất lượng và độ dày của tôn, vì vậy, hiều biết của người tiêu dùng về mặt hàng này còn hạn chế. Đây là cơ hội cho những hành vi gian lận trục lợi.

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết: "Tôn gian, tôn kém chất lượng dễ dàng lừa được người tiêu dùng bằng giá cả thấp hơn so với hàng chính hiệu, dẫn đến việc doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ. Đặc biệt, tình trạng tôn gian, tôn Trung Quốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước".

Ông Thanh cũng đưa ra một toán ước tính từ các số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam để thấy được thị phần tôn mạ của các doanh nghiệp trong nước đang bị suy giảm.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam trong vài năm trở lại đây, lượng thép nhập khẩu gia tăng đột biến. Cụ thể, năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1.745.950 tấn, trong đó, tôn mạ nhập khẩu chiếm 37% và sản xuất trong nước chiếm 63%. 

Đến năm 2014, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1.755.159 tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 43% và sản xuất trong nước giảm còn 57%. Trong 8 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1.731.755 tấn, trong đó thị phần của tôn mạ nhập khẩu chiếm 57% và các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ còn chiếm 43%, giảm 20% so với năm 2013.

Ước tính, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm 2015 là 2.597.633 tấn (1.731.755 tấn/8 tháng x 12 tháng) thì với việc thị phần suy giảm 20%, tương đương 519.527 tấn (2.597.633 tấn x 20%), các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị tổn thất 9.351 tỷ đồng (519.527 tấn x 18 triệu đồng) (Áp dụng mức giá 18 triệu đồng/tấn đối với hàng tôn màu nói chung.

Tình trạng tôn giả, tôn kém chất lượng khiến khá nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao khi mất thị phần. Chính vì vậy, theo nhiều nhà chuyên môn, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan quản lý cần có những chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt.

Theo ông Vũ Văn Thanh, hiện doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Theo đó, trước mắt, cần có chế tài mạnh để kiểm tra nghiêm ngặt, xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh bất chính. Sau đó, biện pháp khả thi cao đó là ban hành một quy định cụ thể và chặt chẽ về in thông tin sản phẩm trên bề mặt tôn, vì hiện nay nhãn hàng hóa chỉ in trên bao bì của cuộn tôn mà nhiều doanh nghiệp lợi dụng tự in các thông tin sai lệch về nhà sản xuất, xuất xứ, độ dày,...

Cũng theo ông Thanh, về lâu dài, cơ quan chức năng cần có một bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng tôn thép mà nhiều quốc gia đã áp dụng cả với các nhà nhập khẩu vào đất nước họ.

Theo ông Kiều Dương, Phó ban pháp chế, Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương, các doanh nghiệp nội địa cần tính toán chi phí một cách hợp lý bởi thực tế vẫn có không ít người tiêu dùng chấp nhận dùng hàng giả, kém chất lượng vì giá sản phẩm loại này rẻ hơn, phù hợp với khả năng chi trả của họ, vậy nên, các doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước cũng cần tìm cách giảm giá thành mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm của mình để thu hút khách hàng.

Tin mới lên