Thị trường

Trung Quốc trồng dưa hấu ở Lào, Campuchia xuất ngược vào Việt Nam

(VNF) - Tình trạng ùn ứ dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trong thời gian qua gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân cũng như gây bức xúc dư luận.

Trung Quốc trồng dưa hấu ở Lào, Campuchia xuất ngược vào Việt Nam

Tại Hội nghị "Bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016" tổ chức ngày 28/12/2015, đại diện các Bộ, ngành và địa phuơng đã thông báo về thực trạng sản xuất, lưu thông, khả năng tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu đối với dưa hấu mùa vụ 2015/2016 cũng như những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp về sản xuất, hạ tầng thương mại, lưu thông để đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu trong thời gian tới.

Báo cáo về các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tiêu thụ dưa hấu tại thị trường trong nước khoảng 80% tổng sản lượng thu hoạch của cả nước, còn lại khoảng 20% dành cho xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam chủ yếu vẫn là các thị trường lân cận có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia,...

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 85-90% tổng sản lượng dành cho xuất khẩu và chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. 

Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu dưa hấu lớn nhất của Trung Quốc với tỷ trọng chiếm khoảng 93% - 98% tổng lượng dưa hấu nhập khẩu hàng năm của thị trường này. Tuy nhiên, gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc đã có xu hướng sang Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha để trồng dưa hấu và xuất khẩu ngược lại để tiêu thụ trong nước, do đó sẽ tác động xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Đại Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong nhiều năm qua, khi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch dưa hấu vụ đông xuân, xuân hè, dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thường bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh.

Đã có thời điểm, lượng xe ùn tắc lên tới 1000 xe, xếp hàng dài nhiều cây số trên đường vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Mỗi xe phải chờ đợi khoảng từ 3-7 ngày mới có thể giao hàng, điều này làm dưa hấu xuống cấp, chất lượng bị ảnh hưởng, dẫn đến việc bị ép giá và phải đổ bỏ.

Một trong những lý do tình trạng ùn ứ dưa hấu được Cục Xuất nhập khẩu đưa ra là do phía Trung Quốc chỉ cho tiếp nhận dưa hấu ở cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, không cho tiếp nhận dưa hấu tại các cửa khẩu khác, trong khi bến bãi, kho chứa ở khu vực này chỉ đáp ứng vài trăm xe/ngày.

Hơn nữa, tập quán buôn bán giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, buôn bán tự phát, không có hợp đồng ký trước, doanh nghiệp Việt Nam thường làm thủ tục đưa sang biên giới rồi mới tìm đối tác để bán hàng, do đó không chủ động được quá trình tiêu thụ, bị ép giá.

Cách thức phân loại, lựa chọn và đóng gói hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc không thống nhất, dẫn đến việc đưa hàng hóa lên đến cửa khẩu để giao hàng rồi mới lại dỡ hàng hóa xuống để lựa chọn, đóng gói lại.

Trước thực trạng này, Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị, cần ưu tiên hỗ trợ các xưởng sơ chế, đóng gói để bảo quản dưa hấu; sớm xây dựng khu trung chuyển hàng nông sản xuất khẩu tại Lạng Sơn nhằm làm địa điểm tập kết khi lượng xe dồn về quá nhiều.

Tổng cục Hải quan cần chỉ đạo tập trung lực lượng để hỗ trợ Lạng Sơn cải tiến quy trình; rút ngắn thời gian thông quan tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu đối với dưa hấu mùa vụ 2015-2016.

Đại điện Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết tỉnh Lạng Sơn sẽ phối hợp với các Bộ liên quan điều tiết, cho phép lượng xe tập trung tại cửa khẩu Tân Thanh không quá 500-600 xe mỗi ngày, đồng thời có phương án đàm phán với chính quyền Trung Quốc điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện thông quan hàng nông sản Việt Nam, xem xét mở thêm cửa khẩu tiếp nhận hàng nông sản.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh khuyến nghị kéo dài thời gian làm việc tại Phòng xuất nhập khẩu khu vực Lạng Sơn và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu E; sắp xếp mời đại sứa quán, thương vụ Trung Quốc đến trao đổi, đề nghị hợp tác giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản tai cửa khẩu. 

Bộ Công Thương cũng cho biết cần cân đối giữa cung-cầu sản xuất và đặc biệt là cân đối giữa tiêu thụ nội địa với xuất khẩu, bởi trên thực tế thị trường nội địa cũng có nhu cầu rất lớn, chiếm 80% lượng dưa hấu sản xuất trong nước.

Tuy nhiên do sự thiếu vắng của hệ thống các doanh nghiệp và hệ thống phân phối trên thị trường nội địa với cơ sở hạ tầng thì nó đã làm yếu và khả năng tiêu thụ nội địa chậm. 

Do vậy, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cần tổ chức kết nối cung cầu tiêu thụ dưa hấu trong nước trên tinh thần hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", tích cực tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ nông sản, đặc biệt là dưa hấu để đón đầu sớm trước khi vào chính vụ.

Tin mới lên