Thị trường

Từ 31/3, bán hàng qua ứng dụng di động phải thông báo với Bộ Công thương

(VNF) - Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế như: sở hữu ứng dụng di động bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương, doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động 1 năm được có văn phòng đại diện tại Việt Nam, công ty quản lý quỹ không được vay vốn để đầu tư... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 3/2016.

Từ 31/3, bán hàng qua ứng dụng di động phải thông báo với Bộ Công thương

Phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày

Theo Thông tư số 202/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, tổ chức được chấp thuận niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoản phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được Sở Giao dịch chấp thuận; sau thời hạn này, quyết định chấp thuận sẽ mặc nhiên hết hiệu lực.

Trường hợp tổ chức có chứng khoán bị hủy niêm yết (bắt buộc hay tự nguyện) chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ ngày bị hủy nếu đáp ứng được các điều kiện tương ứng, trừ trường hợp hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do đã được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM hoặc ngược lại.

Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư này là cho phép công ty hợp nhất, công ty sáp nhập sau quá trình sáp nhập hoặc công ty niêm yết sau hoán đổi khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán được lựa chọn báo cáo tài chính được lập và đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất nhưng không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Tổ chức tín dụng chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một tổ chức kinh tế

Từ ngày 1/3/2016, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế sẽ được áp dụng theo Thông tư số 34/2015/TT-NHNN.

Thông tư này nhấn mạnh tới nguyên tắc: Một tổ chức tín dụng chỉ được làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một tổ chức kinh tế; trong khi đó, một tổ chức tín dụng, một tổ chức kinh tế có thể làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một hoặc nhiều tổ chức tín dụng được phép. Đồng thời, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng làm đại lý chi, trả ngoại tệ không được ủy quyền lại việc chi, trả cho tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng khác…

Đặc biệt, Thông tư yêu cầu các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng đã được cấp Giấy xác nhận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc Giấy phép làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ phải thực hiện chuyển đổi sang văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ trước ngày 02/03/2017. Quá thời hạn này, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng không chuyển đổi hoặc không được chuyển đổi do không đáp ứng đủ điều kiện phải chấm dứt hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.

Tổ chức tài chính vi mô phải có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10%

Cũng có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, Thông tư số 33/2015/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tỷ lệ về khả năng chi trả.

Cụ thể, tổ chức tài chính vi mô phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu bằng 10%; trong đó, tỷ lệ an toàn vốn được xác định bằng vốn tự có trên tổng tài sản "Có" rủi ro nhân (x) 100. Đồng thời, tổ chức tài chính vi mô cũng phải duy trì thường xuyên khả năng chi trả tối thiểu bằng 20%; tỷ lệ về khả năng chi trả được xác định bằng tiền mặt, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại trên tổng số dư tiền gửi tự nguyện nhân (x) với 100.

Doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động 1 năm được có văn phòng đại diện tại Việt Nam

Có hiệu lực từ ngày 10/03/2016, Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định thương nhân nước ngoài được phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh và Văn phòng đại diện tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải được thành lập, đăng ký kinh doanh theo pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…; Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Đặc biệt, thương nhân nước ngoài phải hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký nếu đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoặc đã hoạt động ít nhất 05 năm đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh.

Cũng theo Nghị định, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.

Công ty quản lý quỹ không được vay vốn để đầu tư

Thay vì quy định công ty quản lý quỹ không được phép vay vốn để tài trợ cho hoạt động của quỹ như trước đây, Thông tư số 15/2016/TT-BTC quy định công ty quản lý không được vay để đầu tư; trừ khi vay ngắn hạn để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ hoặc thực hiện thanh toán các giao dịch chứng chỉ quỹ với nhà đầu tư. Trong đó, tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn của quỹ, không bao gồm các khoản tạm ứng, các khoản phải trả, không được quá 5% giá trị tài sản ròng của quỹ tại mọi thời điểm. Thời hạn vay chỉ tối đa 30 ngày.

Về lệnh mua chứng chỉ quỹ, Thông tư chỉ rõ, tiền mua chứng chỉ quỹ sau khi chuyển vào tài khoản tiền của quỹ tại ngân hàng giám sát thì được giải ngân để đầu tư ngay trong ngày giao dịch chứng chỉ quỹ; trong khi trước đây quy định tiền mua chứng chỉ quỹ chỉ được giải ngân để đầu tư sau ngày giao dịch chứng chỉ quỹ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2016.

Sở hữu ứng dụng di động bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương

Thông tư số 59/2015/TT-BTC quy định thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng trên điện thoại di động phải thông báo với Bộ Công Thương. Việc thông báo này phải được thực hiện từ ngày 31/03/2016 - ngày Thông tư có hiệu lực. Đối với các ứng dụng di động được thành lập và hoạt động trước ngày 31/03/2016, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành thông báo trước ngày 31/05/2016.

Cũng theo Thông tư, thương nhân, tổ chức, cá nhân sử hữu ứng dụng bán hàng trên điện thoại di động phải tuân thủ các nghĩa vụ về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng; thông báo cho người tiêu dùng về việc ứng dụng của mình sẽ thu thập những thông tin gì trên thiết bị di động khi được cài đặt và sử dụng. Đặc biệt, không được phép mặc định buộc người tiêu dùng phải sử dụng các dịch vụ đính kèm khi cài đặt và sử dụng ứng dụng của mình…

Ứng dụng di động là ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động (smartphone hoặc máy tính bảng) có kết nối mạng; cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, bao gồm ứng dụng bán hàng và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Tin mới lên