Thị trường

VCCI: Dự thảo Luật của Tòa án Nhân dân Tối cao rất dễ bị lạm dụng

(VNF) – Theo quan điểm của VCCI, Dự thảo Luật áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện (Dự thảo Luật) do Tòa án Nhân dân Tối cao chủ trì soạn thảo có cách tiếp cận rất rộng, rất thoáng, gây quan ngại đặc biệt bởi nguy cơ bị lạm dụng.

VCCI: Dự thảo Luật của Tòa án Nhân dân Tối cao rất dễ bị lạm dụng

Dự thảo Luật của Tòa án Nhân dân Tối cao có cách tiếp cận quá mở, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng

Dự thảo Luật "tạo điều kiện" cho cạnh tranh không lành mạnh

VCCI cho rằng về bản chất, các biện pháp khẩn cấp tạm thời là các biện pháp can thiệp và có ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới các quyền tài sản và/hoặc quyền nhân thân của tổ chức, cá nhân liên quan trong khi chưa có quyết định chính thức cuối cùng từ cơ quan tài phán hoặc cơ quan có thẩm quyền về các quyền và nghĩa vụ cụ thể theo pháp luật (tức là chưa có căn cứ chắc chắn cho việc can thiệp quyền). 

Do đó, từ góc độ lý thuyết cũng như thực tiễn, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cần hết sức thận trọng và chặt chẽ.

Đây cũng là lý do tại sao cho đến nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, biện pháp khẩn cấp tạm thời phần lớn chỉ được áp dụng như là các biện pháp có tính ngăn chặn, được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp, trong một vụ việc cụ thể (dân sự hoặc hình sự), với mục đích là nhằm xử lý các quyền và lợi ích hợp pháp cấp bách hoặc hạn chế tối đa thiệt hại đối với các bên có quyền và lợi ích liên quan khi vụ việc được xử lý chính thức theo pháp luật.

Theo cách này, biện pháp khẩn cấp tạm thời thường phải gắn với các vụ việc cụ thể, đã được đưa ra trước cơ quan tài phán có thẩm quyền (Tòa án, trọng tài) để xem xét các quyền và lợi ích theo quy định pháp luật. 

Việc khởi kiện có thể coi là một dấu hiệu rõ ràng về tính nghiêm túc của chủ thể yêu cầu cũng như các bằng chứng xác thực ban đầu về các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong vụ việc, do đó giảm bớt đáng kể mức độ rủi ro, khả năng bị lạm dụng và ảnh hưởng bất lợi đối với các tổ chức, cá nhân liên quan của các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Vì vậy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện mà không gắn với các vụ việc cụ thể (chưa khởi kiện, sau đó cũng không có ý định khởi kiện) rất đặc biệt thận trọng và chỉ giới hạn ở các trường hợp hãn hữu.

Trong khi đó Dự thảo Luật hiện lại có cách tiếp cận rất rộng, rất thoáng về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, theo hướng:  Không có ràng buộc gì về một vụ kiện sau đó (do đó không phải là biện pháp tiền tố tụng); Không có giới hạn nào về các lĩnh vực/vấn đề có thể yêu cầu áp dụng (tất cả các lĩnh vực thương mại, dân sự đều có thể được yêu cầu)

Và các điều kiện áp dụng không có gì khác biệt so với các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng (điều kiện tương đương, không có điều kiện bố sung nào theo hướng chặt chẽ hơn).

VCCI: Dự thảo Luật của Tòa án Nhân dân Tối cao rất dễ bị lạm dụng

Phiên họp hôm 29/3 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội vẫn chưa thống nhất được quan điểm về Dự thảo Luật này

VCCI cho rằng từ góc độ hoạt động thương mại, kinh doanh, cách tiếp cận rất mở này của Dự thảo gây quan ngại đặc biệt bởi nguy cơ bị lạm dụng.  Bởi bất kỳ chủ thể kinh doanh nào với các bằng chứng tối thiểu và với một khoản bảo đảm nhất định, đều có thể yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với đối thủ cạnh tranh của mình, nếu muốn, mà không nhất thiết phải có ý định nghiêm túc về việc kiện sau đó.

Ngoài ra, một chủ thể kinh doanh phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu có mâu thuẫn hay cạnh tranh với tổ chức, cá nhân khác (ngay cả khi đối thủ cạnh tranh không có đủ căn cứ pháp lý chắc chắn, xác thực).

Ngay cả khi biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khởi kiện bị Tòa án từ chối thì chỉ với việc có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, uy tín và giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hơn nữa trong mọi trường hợp thì việc đòi bồi thường sau đó nếu xác định biện pháp khẩn cấp tạm thời là không phù hợp cũng rất khó khăn, mất thời gian và công sức của bên bị thiệt hại. Chưa kể nhiều trường hợp khoản bảo đảm không thể bù đắp nổi các giá trị vô hình về uy tín đã bị ảnh hưởng hoặc mất đi do biện pháp khẩn cấp tạm thời này.

Biện pháp khẩn cấp trước khi khởi kiện không phổ biến trên thế giới

Tờ trình của Ban soạn thảo Dự án Luật đã nêu lên kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp thạm thời trước khi khởi kiện là một chế định đặt trong Bộ luật tố tụng dân sự Trung Quốc, như một biện pháp "tiền tố tụng", và được hiểu là sau đó chắc chắn phải có một vụ kiện dân sự.

Ở Nhật Bản, điều kiện của biện pháp khẩn cấp tạm thời là phải khởi kiện trong thời hạn do Tòa án định. Nói cách khác, Nhật cũng xem đây là một biện pháp trong giai đoạn "tiền tố tụng", gắn với một vụ việc sau đó.

VCCI: Dự thảo Luật của Tòa án Nhân dân Tối cao rất dễ bị lạm dụng ảnh 2

 VCCI lưu ý biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện không phải là biện pháp phổ biến

Tuy nhiên, VCCI cho rằng cần lưu ý rằng bất kỳ kinh nghiệm quốc tế nào cũng phải được đặt trong bối cảnh pháp luật, thông lệ và thói quen của người dân ở nước đó. Ví dụ như tại các nước phát triển, thẩm quyền của Tòa dù lớn nhưng đều là "trong quá trình tố tụng", tức là sau khi tổ chức, cá nhân đã khởi kiện và trao quyền và các căn cứ can thiệp cho Tòa án.

Đặc biệt, "trong tổng thể, với các kinh nghiệm quốc tế đã được chỉ ra, có thể thấy biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện không phải là biện pháp phổ biến ở các nước này mà là những biện pháp có thể áp dụng nhưng với các điều kiện chặt chẽ, là bước tiền tố tụng, gắn với một quy trình tố tụng sau đó hoặc chỉ giới hạn ở các lĩnh vực rất hẹp", VCCI lưu ý.

Theo Dự thảo Luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm bảo vệ tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện gồm: Kê biên tài sản; cấm chuyển dịch quyền về tài sản; cấm thay đổi hiện trạng tài sản; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu;

Thu giữ, niêm phong, cấm di chuyển hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó; cấm hoặc buộc thực hiện một hành vi nhất định liên quan đến việc ngăn chặn chuyển giao hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tin mới lên