Thị trường

Việt Nam nên học gì từ 'thị trường không thuế' Dubai?

(VNF) - Mặc dù Dubai không tham gia các Hiệp định thương mại tự do như TPP thế nhưng thành phố này lại phát triển rất mạnh trong 10 năm trở lại đây và trở thành trung tâm hội nhập toàn cầu.

Việt Nam nên học gì từ 'thị trường không thuế' Dubai?

Tại "Diễn đàn Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam" diễn ra ngày 1/3, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cho biết mặc dù Dubai không tham gia các Hiệp định thương mại tự do như TPP thế nhưng họ lại đang phát triển rất mạnh và trở thành trung tâm hội nhập của thế giới.

Dubai là một thành phố và đồng thời là một trong 7 tiểu vương quốc của Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nằm ở phía nam vịnh Ba Tư thuộc bán đảo Ả Rập. UAE còn là "trạm" trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực Trung Đông và châu Phi.

Nằm giữa sa mạc, khai thác dầu mỏ chỉ chiếm khoảng 6% GDP, nhưng Tiểu vương quốc Dubai là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới, trung tâm thương mại, tài chính, du lịch và cảng biển của khu vực. Đây là thành phố của những khách sạn sang trọng bậc nhất thế giới, với tòa nhà Burj Khalifa 160 tầng cao nhất hành tinh, trung tâm mua sắm Dubai Mall lớn nhất và xa hoa nhất thế giới.

Theo ông Nguyễn Quang Khai, động lực đằng sau sự thành công và giàu có của Dubai chính là việc áp dụng các phương thức kinh tế không thuế má, doanh nghiệp nước ngoài mang hàng sang đây bán, chỉ đánh khoảng 5% thuế quan. Dubai được xem là thị trường gần như không có thuế nhập khẩu.

Vào đầu những năm 1980, Dubai đã nhận thức được rằng nếu chỉ dựa vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên vốn có là dầu mỏ thì thành phố không thể trụ nổi trong cuộc cạnh tranh với thế giới, chính vì sự phát hiện nhạy bén này nên thành phố đã tìm ra một phương hướng mới.

Đầu thế kỷ 21, hàng loạt các dự án tầm cỡ thế giới đã được khởi công và hình thành ngay trên mảnh đất khô cằn này, biến Dubai trở thành nền kinh tế chính của Các tiểu vương quốc Ả Rập. Internet Dubai City chính là khởi nguồn của mọi câu chuyện, chính sách này được thực hiện vào năm 2000, kêu gọi các nước phương tây, các thế lực giàu có đổ dồn tiền vào để biến Dubai thành thiên đường. Chính sách miễn thuế tại đây đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Vào năm 2003, một loạt dự án hoành tráng tầm cỡ thế giới được thực hiện.

Ông Khai nhận xét Dubai là thị trường tiêu thụ khá "dễ tính" khi hàng nước ngoài mang vào Dubai hầu như đều được mua, họ quan tâm nhiều hơn đến giá cả và chất lượng. Năm 2008 từ khi làm Đại sứ tại đây, ông Khai cho hay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Dubai là 250 triệu USD nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 5 tỷ USD. "Chúng ta đã bỏ lỡ một thị trường rất dễ tính", ông Khai nhận định khi hiện nay số lượng các doanh nghiệp Việt thâm nhập vào thị trường này còn rất ít.

Ông Khai chia sẻ, đoàn đại biểu của Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trong chuyến công tác tại Dubai đã đến thăm con đường 6 làn xe, chạy không hạn chế tốc độ với chi phí xây dựng đường chỉ vào khoảng 4 triệu USD/km. Trong khi tại Việt Nam, con số này phải hơn 20 triệu mỗi km. "Nếu như vậy thì Việt Nam có vào TPP cũng thể phát triển được", ông Khai thẳng thắn nhận định.

Có thể nói cái mà Dubai làm được đó là việc quản lý, điều hành và phát triển đất nước theo trật tự quy hoạch và thu hút nhiều nguồn lực để phát triển. Dubai có được như ngày hôm nay là do họ tự biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế. 

"TPP không phải là cây gậy thần để thực hiện, chúng ta phải tự vận động và đưa ra chính sách cho chính mình", ông Khai nhấn mạnh.

Tin mới lên