Thị trường

Việt Nam sắp có thêm hãng bay giá rẻ mới, hoạt động từ năm 2018

(VNF) - Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên có vốn điều lệ 1 tỷ đồng sẽ tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng để mở liên doanh với hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực châu Á - AirAsia.

Việt Nam sắp có thêm hãng bay giá rẻ mới, hoạt động từ năm 2018

Hải Âu sẽ tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng để liên doanh với AirAsia mở hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.

Mới đây, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á là AirAsia của tỷ phú người Malaysia Tony Fernandes cho biết, thông qua công ty con AirAsia Investment (AAIL), hãng đã ký thỏa thuận cổ đông và hợp đồng mua bán cổ phần với Công ty TNHH Gumin, Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên để liên doanh mở một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.

Tỷ phú người Malaysia Tony Fernandes - ông chủ hãng hàng không Air Asia.

Dự kiến hãng hàng không mới sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Hãng hàng không mới này sẽ có các đường bay nội địa giữa các thành phố của Việt Nam, cũng như kết nối Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong liên doanh này, AirAsia nắm 30% vốn điều lệ, tương đương 30 triệu cổ phiếu, trong khi đó Gumin nắm 69,9% (69,99 triệu cổ phiếu), cá nhân ông Kiên nắm 1 cổ phiếu. Theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, công ty Gumin vừa được thành lập hôm 29/3/2017, người đại diện pháp luật cũng chính là ông Kiên, địa chỉ công ty cũng là địa chỉ của Thiên Minh Group (TMG).

Thiên Minh Group (TMG) do ông Kiên làm Chủ tịch kiêm CEO là tập đoàn sở hữu chuỗi khách sạn Victoria Hotels & Resorts ở Việt Nam và Lào. Ông Kiên hiện cũng đang là thành viên HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), thành viên HĐTV Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS).

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thiên Minh (TMG)

Công ty Hải Âu là thành viên của TMG, vốn đang hoạt động kinh doanh hàng không chung tại Việt Nam, sẽ đóng vai trò nền tảng cho liên doanh này. Hiện tại, Hải Âu có vốn điều lệ 1 tỷ đồng và theo thỏa thuận liên doanh cam kết sẽ tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng.

AirAsia và liên doanh cũng đã ký một thỏa thuận cho vay mới. Theo thỏa thuận này, AirAsia sẽ cấp khoản vay 2 triệu USD, riêng Gumin sẽ cung cấp 4 triệu USD cho liên doanh này.

"Liên doanh này sẽ trở thành một hãng hàng không tại Việt Nam vừa có giá rẻ vừa cung cấp chất lượng cao dựa trên kỳ vọng dân số Việt Nam đông và kinh tế tăng trưởng cao", công ty này cho biết.

Những năm vừa qua, AirAsia đã thành lập các công ty con ở Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản. Tỷ phú Fernandes cũng đã đặt hàng trăm máy bay Airbus với giá trị hàng tỷ USD để đáp ứng tham vọng tăng trưởng và đang trong quá trình bán công ty con chuyên cho thuê máy bay để huy động tiền mặt.

Tuy nhiên, Brendan Sobie, chuyên gia phân tích tại CAPA Centre for Aviation, nhận định AirAsia sẽ gặp phải những thách thức lớn bởi hãng bước chân vào "bữa tiệc hàng không" ở thị trường Việt Nam quá muộn. "Thị trường này hiện đang được phục vụ khá tốt bởi hai hãng giá rẻ là VietJet và Jetstar Pacific. Tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong những năm tới vì thị trường đã trưởng thành hơn", chuyên gia này cho biết.

Cổ phiếu của VietJet đã tăng trưởng 52% kể từ khi lên sàn tháng trước. Theo báo cáo được công ty chứng khoán ACB công bố tháng 12 năm ngoái, trong thập kỷ tới lượng hành khách của thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ 2 con số. Thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng là 17%.

Tin mới lên