Thị trường

Vụ 'khủng bố' bằng đất: Doanh nghiệp Nhật đã được giải tỏa lối ra

(VNF) - Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản Tango Candy cho biết: "Chúng tôi chấp nhận mọi thiệt hại để Tân Đức hiểu rằng minh bạch là nguyên tắc không thể thay đổi đối với người Nhật".

Vụ 'khủng bố' bằng đất: Doanh nghiệp Nhật đã được giải tỏa lối ra

Công ty Tân Đức cho tháo dỡ toàn bộ rào chắn trước cổng Công ty Tango Candy. Ảnh: Dân Việt

Theo Dân Việt, sau hơn một tuần dùng xe tải nặng, trụ bê tông và đổ đất chắn cổng ra vào, cửa thoát hiểm của Công ty Tango Candy, chiều 25/3, Công ty Tân Đức cho tháo dỡ toàn bộ rào chắn, dù Tango Candy chưa đóng phí cơ sở hạ tầng như mong muốn của Tân Đức.

Ông Nguyễn Văn Tiều - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết, ông đã trực tiếp tới hiện trường vụ bít cổng Công ty Tango Candy (doanh nghiệp của Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa, Long An) để chứng kiến việc giải phóng chướng ngại vật trước cổng Công ty Tango Candy.

"Doanh nghiệp Nhật vẫn không đồng ý đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng nếu Công ty Tân Đức ghi là tạm thu. Dù vậy, phía Công ty Tân Đức đã đồng ý tháo dỡ các rào chắn, xúc đất đem đi. Việc đóng phí sẽ tiếp tục được thỏa thuận" - ông Tiều nói.

 Người của Công ty Tân Đức tháo dỡ rào chắn. Ảnh: Dân Việt

Lúc 13h20 chiều 25/3, theo ghi nhận của PV Dân Việt, Công ty Tân Đức đã cho người đến trước Công ty Tango Candy để xúc đất. Một nhóm nhân công khác bắt đầu đào ống nước lên để nối lại nguồn. Bên trong, nhân viên của Tango Candy vẫn làm việc bình thường.

Doanh nghiệp Nhật cương quyết vì minh bạch

Trao đổi với phóng viên, ông Từ Khánh Hùng - Tổng vụ Công ty Tango Candy - cho biết: "Chúng tôi chấp nhận mọi thiệt hại để Tân Đức hiểu rằng minh bạch là nguyên tắc không thể thay đổi đối với người Nhật. Sếp tôi - ông Tango Hirosuke đã nhiều đêm không ngủ và nói với công nhân, ông sẵn sàng trả lương cho họ cho tới khi nào công ty hết tiền - chỉ vì sự minh bạch. Tân Đức đã tháo dỡ rào chắn và chúng tôi sẽ tiếp tục cùng họ đàm phán để mọi việc rõ ràng".

Sáng 21/3, ông Tango Hirosuke muốn công nhân nghỉ làm việc vì lý do an toàn. Ông nói lương thưởng vẫn trả đầy đủ, nhưng toàn bộ công nhân đều đứng chờ ở ngoài công ty và cho biết sẽ trèo qua rào chắn để làm việc chứ không muốn ông chủ của họ bị thiệt hại. 

Trong ngày 24/3, Công ty Tango Candy tiếp tục mua về hàng trăm bình nước khoáng loại 20 lít để phục vụ sinh hoạt cho công nhân. Ông Từ Khánh Hùng nói: "Mua nước khoáng để giội nhà vệ sinh, từ công nhân đến giám đốc đều xót tiền. Biết là hao tốn tiền bạc rất nhiều, nhưng nguyên tắc của người Nhật là minh bạch và sẽ không bao giờ thay đổi nguyên tắc đó".

Ông Trần Dương - Giám đốc truyền thông của Công ty Tân Đức - cho hay: "Khi Tân Đức đào ống nước, ông giám đốc Tango Candy là Tango Hirasuke (77 tuổi) giữa đêm đã ra cổng tự đào đất lên, tự nối ống nước. Sau đó, ông lấy cái ghế ngồi đè lên trên để ngăn cản nhân viên Tân Đức cắt đường nước. Chúng tôi có quay phim, chụp hình cảnh này".

Ông Hùng cho biết, do ông Hirasuke sợ các nhân viên khác ra nối lại ống nước sẽ bị hành hung nên ông mới tự tay làm. "Nhu cầu vệ sinh là nhu cầu tối thiểu của con người, nhất là khi công ty có hàng trăm nữ công nhân. Do đó, đích thân ông giám đốc tuổi gần 80 phải tự tay nối ống nước, mặc cho một số nhân viên của Tân Đức dè bỉu".

Công ty Tân Đức đòi 33 doanh nghiệp nước ngoài đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng là 10.018 đồng/m2 - gần gấp đôi mức trung bình chung so với hàng chục Khu - Cụm công nghiệp đang hoạt động tại Long An.

Theo con số này, tổng số phí mà 33 doanh nghiệp phải trả trong 3 năm là 18,7 tỷ đồng. Nếu theo mức doanh nghiệp yêu cầu là 8.500 đồng/m2 thì con số giảm xuống khoảng 2,7 tỷ đồng, chia đều cho từng năm thì chênh lệch chỉ còn 900 triệu đồng/năm - số tiền quá nhỏ so với tiềm lực của những nhà đầu tư nước ngoài. Cần phải nói rõ rằng, để hoạt động trong khu công nghiệp này, các nhà đầu tư đã trả tiền thuê đất cho Tân Đức từ 70 - 120 USD/m2, trả một lần cho 50 năm.

Đến nay, theo Dân Việt, chỉ tính riêng thiệt hại của Công ty Tango Candy cũng đã cao hơn mức chênh lệch mà toàn bộ 33 doanh nghiệp phải đóng nhưng các ông chủ nước ngoài vẫn giữ quan điểm. "Đến chiều 24/3, Tân Đức đã đồng ý hạ xuống mức 8.500 đồng/m2 nhưng ghi là phí tạm thu. Doanh nghiệp nước ngoài cho rằng tạm thu là chưa chính thức, chưa rõ ràng nên không đồng ý", ông Nguyễn Văn Tiều - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Long An nói.

Cách tính của Tân Đức vấp phải sự phản ứng của hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây nhưng các doanh nghiệp trong nước về sau đều xuê xoa cho qua, các cơ quan liên quan vẫn chưa đưa ra ý kiến phản hồi. Chỉ có Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài khác quyết không đồng ý.

Tin mới lên