Thị trường

WB khen Việt Nam 'tăng trưởng xuất khẩu xuất sắc'

(VNF) - Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy mức cầu trong nước có sức bật tốt, xuất khẩu và công nghiệp chế tạo xuất khẩu tănng trưởng mạnh.

WB khen Việt Nam 'tăng trưởng xuất khẩu xuất sắc'

Báo cáo "Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố ngày 2/12/2015 cho thấy, kinh tế Việt Nam đã ứng phó tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài với tăng trường tế với tăng trưởng GDP ước tính đạt 6,5% trong năm nay và 6,6% vào năm 2016.

Mức tăng trưởng đáng khích lệ đạt được trong năm nay, theo WB, phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

"Cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định. "Đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết các vấn đề bất cập còn tồn tại trong khu vực ngân hàng".

Báo cáo cũng cho biết, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn đã giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng. Về ngoại thương, xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, điện tử và máy tính.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam đánh giá: "Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào hàng xuất sắc của thế giới. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu chỉ đạt 2,8% thì tăng trưởng của Việt Nam lên đến hơn 9%". Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý xuất khẩu tăng trưởng khá chủ yếu là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt các đối thủ cạnh tranh trong khu vực nhưng nhập khẩu vẫn tăng khiến cán cân thương mại thâm hụt và thặng dư tài khoản vãng lai giảm đáng kể.

Vẫn theo báo cáo, viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực, dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. Tỷ lệ lạm phát trung bình 10 tháng đầu là 0,7% trong khi mức cùng kỳ năm ngoái là 4,6%.

Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khóa sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công.

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, cần đảm bảo quản lý kinh tế vĩ mô tốt mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với những cú sốc trong tương lai, tiếp tục củng cố tài khóa, đẩy nhanh cải cách cơ cấu và tăng trưởng dự trữ ngoại tệ sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi, WB cho biết.

Tin mới lên