Thị trường

Xăng dầu giảm giá, doanh nghiệp vận tải vẫn "ngại" giảm cước

Từ 10/2015 đến nay, giá xăng dầu liên tục giảm nhiều đợt. Để bảo đảm quyền lợi của hành khách, Bộ Tài chính đã có yêu cầu giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, đến nay số lượng các doanh nghiệp kê khai giảm giá cước chỉ tính trên đầu ngón tay.

Xăng dầu giảm giá, doanh nghiệp vận tải vẫn "ngại" giảm cước

Doanh nghiệp vận tải vẫn không chịu giảm giá cước

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, từ giữa 10/2015, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đã kê khai giảm giá. Mức giảm phổ biến từ 3 - 5% tùy từng tuyến, loại hình vận tải và tùy từng địa phương.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 10/2015 đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục giảm. Gần đây nhất 4/1/2016, giá xăng RON 92 đã chính thức được điều chỉnh giảm 373 đồng/lít, dầu Diesel giảm 865 đồng/lít, dầu hỏa giảm 791 đồng/lít; dầu Mazut giảm 616 đồng/kg.

Tính từ thời điểm 10/2015 đến nay, giá xăng RON 92 đã giảm 2.140 đồng/lít, dầu Diesel 0.05S giảm 2.660 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.500 đồng/lít; dầu Mazut 180CST 3.5S giảm 1.930 đồng/kg.

Ngày 5/1, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan, tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô tại địa phương.

Trước đó ngày 21/12, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ GTVT về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn. Công văn được đưa ra trước thềm các dịp lễ lớn và Tết Dương lịch. Trong khoảng thời gian 3 tháng tới, dự báo nhu cầu vận tải, đi lại sẽ tăng vọt.

Theo Bộ Tài chính từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng, dầu đã được điều chỉnh giảm nhiều đợt. Theo đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ GTVT, các địa phương đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô rà soát để kê khai giảm giá phù hợp với diễn biến của giá nhiên liệu.

Tại TP Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 200 doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Sau nhiều lần đôn đốc, đến nay đã có 7 đơn vị vận tải thực hiện kê khai giá.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, trước tình hình giá nhiên liệu đầu vào giảm trong thời gian gần đây, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh liên tục kêu gọi các doanh nghiệp vận tải kê khai giảm cước. Tuy nhiên, nhìn chung việc giảm giá cước vận tải tại thành phố diễn ra rất chậm.

Riêng bến xe Miền Đông, bến xe khách liên tỉnh lớn nhất thành phố có hơn 200 doanh nghiệp vận tải hoạt động nhưng mới chỉ có 25 doanh nghiệp kê khai lại để giảm giá cước. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp này kê khai trước ngày 18/12/2015. Với mức kê khai mới, các doanh nghiệp giảm giá cước từ 2 - 5%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải lại cho rằng giá xăng thường giảm nhỏ giọt, nên họ phải chờ một mức giảm nhiều hơn mới điều chỉnh giá. Mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp phải in ấn lại hóa đơn, bảng niêm yết giá, kẹp chì lại đồng hồ nên rất mất thời gian và chi phí.

Ngoài ra, phí đường bộ BOT sẽ tăng từ 1/6/2016 cũng là một lý do khiến các doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước.

Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết; công bố công khai đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tin mới lên