Học thuật

Thiểu quyền là gì?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Thiểu quyền (oligopoly, oligopolist) là gì ?

Thiểu quyền là gì?

Một ít hay vài người bán và nhiều người mua. Phần lớn mức cung của thị trường năm trong tay một vài công ty tương đối lớn bán hàng cho những người mua tương đối nhỏ.

Thiểu quyền là gì ?

Thiểu quyền (oligopoly, oligopolist) là loại hình cấu trúc thị trường được đặc trưng bởi:

a. Một ít hay vài người bán và nhiều người mua. Phần lớn mức cung của thị trường nằm trong tay một vài công ty tương đối lớn bán hàng cho những người mua tương đối nhỏ.

b. Sản phẩm đồng nhất hoặc phân biệt. Sản phẩm do các nhà cung cấp chào bán có thể đồng nhất, hoặc như thường xảy ra hơn là phân biệt với nhau theo một hay nhiều phương diện. Những khác biệt này có thể mang bản chất vật chất, đặc điểm sử dụng hay chỉ thuần túy là tưởng tượng, hiểu theo nghĩa những khác biệt nhân tạo là do các biện pháp quảng cáo, trưng bày và xúc tiến bán hàng tạo ra.

c. Khó gia nhập thị trường. Hàng rào gia nhập cao, làm cho các công ty mới khó gia nhập thị trường.

Đặc trưng đầu tiên là "một ít" hay "vài" hàm ý có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp hoạt động trên cùng một thị trường. Do điều kiện này mà khi quyết định giá cả hay đưa ra chiến lược thị trường, các doanh nghiệp phải tính đến phản ứng hay biện pháp chống trả của đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn, biện pháp cắt giảm giá cả có vẻ có lợi cho công ty không có đối thủ cạnh tranh, nhưng nếu nó dẫn đến sự cắt giảm giá cả của công ty khác để bảo vệ thị phần, thì tất cả các doanh nghiệp đều bị giảm lợi nhuận. Vì lý do này, các nhà thiểu quyền ít có xu hướng cạnh tranh về giá cả (chiến tranh giá cả) và thường sử dụng các cơ chế khác nhau để phối hợp giá cả (như chỉ đạo ngầm, các ten).

Các nhà thiểu quyền cạnh tranh với nhau bằng cách sử dụng nhiều chiến lược phân biệt sản phẩm khác nhau (quảng cáo, xúc tiến bán hàng, tung sản phẩm mới) nhằm duy trì và nâng cao tỷ suất lợi nhuận. Biện pháp cắt giảm gía cả dễ bị đối phó, còn phân biệt sản phẩm rất khó đối phó và do vậy nó tạo ra cơ hội tiềm tàng cho sự gia tăng thị phần một cách liên tục. Sư phân biệt sản phẩm làm tăng doanh thu tại mức giá hiện hành, hoặc những chi phí tăng thêm có thể được chuyển vào giá bán và khách hàng phải chịu. Sự phân biệt sản phẩm bằng cách tạo ra sự trung thành với nhãn hiệu hàng hóa của nhà cung cấp hiện có làm cho doanh nghiệp mới khó gia nhập thị trường.

Các lý thuyết truyền thống (tĩnh) chỉ ra rằng thị trường thiểu quyền dẫn tới kết quả thị trường không tối ưu, tương tự như trong thị trường độc quyền. Sản lượng bị giới hạn ở mức thấp hơn có chi phí tối thiểu; các doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả tồn tại được vì nó lẩn tránh sự cạnh tranh về giá cả trong khi sự cạnh tranh bằng cách phân biệt sản phẩm làm tăng chi phí cung ứng; và giá cả được quy định ở mức cao hơn chi phí cung tối thiểu, tạo ra lợi nhuận trên mức bình thường của nhà thiểu quyền và mức lợi nhuận quá cao này được bảo vệ bằng hàng rào gia nhập. Song cũng giống thị trường độc quyền, cách phân tích này không tính đến những mối lợi kinh tế quy mô tạo ra trong việc cắt giảm chi phí, giá cả của ngành và những đóng góp quan trọng khác của cạnh tranh thiểu quyền đối với sự đổi mới, phát triển sản phẩm.

Một số người dịch từ này ra Tiếng Việt là độc quyền nhóm hay độc quyền tập đoàn. Cách dịch này cho thấy khái niệm thị trường thiểu quyền bị hiểu sai, vì trong tiếng Anh oligopoly có nghĩa đen là thị trường có một ít người bán. Nếu họ cấu kết với nhau ( ví du các ten), chúng ta có độc quyền nhóm, thường gọi là tập đoàn độc quyền, và có thể sử dụng mộ hình thị trường độc quyền (một người bán) để nghiên cứu nó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bán không cấu kết với nhau và mô hình sử dụng để phân tích chúng khác với mô hình về thị trường độc quyền, ví dụ mô hình nhị quyền Cournot. Như vậy, khái niệm độc quyền nhóm quá hẹp, chỉ nói lên được một dạng (dạng cấu kết) của thị trường thiểu quyền.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên